DHKT

Đổi mới, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp với Bigdata, công nghiệp số, tự động hóa và IoT

(ictdanang) – 80 Nhà khoa học, giới nghiên cứu và Giảng viên đến từ 28 trường Đại học, Cao đẳng, Học viện cùng 9 doanh nghiệp trên khắp cả nước đã có mặt tại Đà Nẵng, chia sẻ tầm nhìn, trao đổi học thuật với chủ đề quan tâm chung “Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp” trong bối cảnh tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Đón đầu các xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nhiều doanh nghiệp ngành Thông tin và Truyền thông đã đầu tư các Trung tâm dữ liệu cung cấp dịch vụ thuê máy chủ và chỗ đặt máy chủ; cung cấp, lắp đặt máy chủ và đường truyền Internet; cung cấp giải pháp lưu trữ ... phục vụ doanh nghiệp.

Trong ảnh: Trung tâm dữ liệu (IDC) An Đồn thuộc Công ty dữ liệu VNPT. Trung tâm đã nhận Chứng chỉ Hệ thống quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001: 2013.

-Ảnh: T.N.

 


Còn "khoảng cách" với bigdata, công nghiệp số, tự động hóa và IoT thi chưa thể đổi mới và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.


Theo GS.TS Nguyễn Trường Sơn – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh trường Đại học Kinh tế (Đại học học Đà Nẵng): Năng lực quản trị doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với một tốc độ cao, toàn diện và sâu rộng khắp mọi ngõ ngách của cuộc sống. đã và đang làm cho vấn đề đổi mới và nâng cao năng lực quản trị lại trở nên bức bách hơn.

Với những nội dung chính: phát triển công nghiệp số hóa, tự động hóa, internet kết nối vạn vật (IoT), big data, trí tuệ nhân tạo…cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra những cơ hội lớn và mới đối với doanh nghiệp: giúp giảm chi phí giao dịch và quản lý; ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ mới trong quản trị điều hành, hoạch định chiến lược, tăng năng suất lao động; tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác; tăng cơ hội kinh doanh mới (dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử, tài chính số…); tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái điện tử… 

"Chất lượng doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, năng lực cạnh tranh còn yếu, khả năng hội nhập rất thấp" - GS.TS Nguyễn Trường Sơn.-Ảnh: Thanh Hoàng.

Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng góp phần cung cấp sản phẩm dịch vụ qua biên giới dễ dàng với chi phí thấp

Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp như đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh, mô hình tổ chức, mô thức quản trị, văn hóa kinh doanh, loại hình doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực lãnh đạo và quản trị các cấp...

GS.TS Nguyễn Trường Sơn cũng nhấn mạnh: Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh về số lượng, tuy nhiên chất lượng doanh nghiệp chưa cao, năng lực cạnh tranh còn yếu, khả năng hội nhập của doanh nghiệp rất thấp.

Có nhiều nguyên nhân giải thích vấn đề này, trong đó năng lực quản trị doanh nghiệp yếu kém là một nguyên nhân cơ bản.

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi căn bản cuộc sống, thói quen của con người, nó có thể làm thay đổi cấu trúc ngành nghề trên thế giới, thay đổi cuộc sống loài người. Đòi hỏi sự thay đổi năng lực quản trị để thích ứng từ các doanh nghiệp là xu hướng không thể đảo ngược.

Công tác nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp thật sự vẫn chưa được các doanh nghiệp chú trọng. Điều này, đồng nghĩa với các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động và phát triển đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập một cách mạnh meẽ và cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay. Chỉ so sánh trong tương quan các nước thuộc ASEAN có mức phát triển khá thì Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung nói riêng, vẫn bị đánh giá là “hệ thống quản trị doanh nghiệp yếu kém nhất”.

Các doanh nghiệp Việt Nam phần đông vẫn thực hành quản trị theo kiểu thuận tiện, thiếu vắng các yếu tố quản trị công ty; việc sử dụng các công cụ quản trị kinh doanh hiện đại trong các lĩnh vực quản trị chiến lược, quản trị marketing, quản trị tài chính, quản trị nguồn nhân lực… vẫn còn rất xa lạ và khá mơ hồ.

Năng lực quản trị hạn chế là nguyên nhân cơ bản nhất làm cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó hội nhập, năng lực cạnh tranh thấp. Trong khoảng 15 năm qua, quy mô bình quân của các doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng nhỏ dần, tình trạng các doanh nghiệp rất chậm lớn, đông về số lượng nhưng rất hạn chế về chất lượng đang là tình trạng phổ biến. Việc nâng cao năng lực quản trị được xem là giải pháp hữu hiệu để hiện đại hóa doanh nghiệp của chúng ta hiện nay.

Doanh nghiệp Việt cần nhanh chân, đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo hướng 4.0

Hội thảo quốc gia Quản trị kinh doanh (COMB) 2017 cũng là Hội thảo đầu tiên diễn ra trên địa bàn Đà Nẵng và bàn sâu theo 3 chủ đề chính: Thách thức của toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp tới quản trị doanh nghiệp; Quản trị nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; Marketing trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Ban Tổ chức hội thảo Hội thảo COMB 2017 đã nhận được 148 bài báo khoa học, trong số đó có 103 bài được Ban biên tập tuyển chọn đăng trong kỷ yếu hội thảo khoa học. 

13 tham luận khoa học khác được chọn trình bày tại 3 tiểu ban đã đi sâu vào các nội dung: Ảnh hưởng của toàn cầu hóa, của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới hoạt động quản trị, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam; Đổi mới, sáng tạo, tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp; Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực quản trị các lĩnh vực chức năng: quản trị chiến lược, sản xuất, tài chính, nhân lực, marketing… cho doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập và trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội trong nền kinh tế toàn cầu.

Tại 3 Tiểu ban, không khí phản biện, tranh luận và đóng góp ý kiến đã đưa ra nhiều giải pháp liên quan đến các vấn đề rất thực tế đã và đang phát sinh khi đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp thích nghi với bối cảnh và sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.


Nhiều dự án khởi nghiệp tại Đà Nẵng đã bắt đầu câu chuyện trên nền tảng khai thác tối ưu các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Ảnh chụp tại Không gian làm việc chung - Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng).
- Ảnh: T.N

Trong những năm gần đây cùng với sự nỗ lực của một Chính phủ kiến tạo, môi trường kinh doanh và cơ chế quản lý kinh tế của Việt Nam không ngường được cải thiện theo hướng tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, giải phóng mọi rào cản nhằm mục đích huy động tốt hơn nguồn lực của đất nước vào phát triển, xem trọng kinh tế tư nhân và coi đây là động lực mạnh mẽ của tăng trưởng kinh tế quốc gia. 

Nhờ những nỗ lực cải cách này, trong năm 2016 lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp đăng ký đã đạt con số trên 100.000 doanh nghiệp. Một điểm đáng khích lệ nữa, là số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2016 đã giảm tới 9,5% so với năm 2015, chấm dứt một giai đoạn số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng liên tục trong hơn 5 năm qua.

“Trong bối cảnh mới, lợi thế được xem là lớn nhất cho doanh nghiệp Việt Nam là cả thế giới đều bước vào cuộc Cách mạng 4.0 ở cùng một vạch xuất phát. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chân, đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo hướng 4.0 thì rất có thể, sau cuộc cách mạng, vị thế của nước Việt Nam, của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế sẽ khác hẳn. Điều này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi toàn diện cách thức quản trị của mình” – GS.TS Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.


Hội thảo COMB 2017 với chủ đề “Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp” với mục đích tăng cường trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Nhà nghiên cứu về Quản trị và kinh doanh trên toàn quốc, trước những thay đổi của môi trường kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0-Ảnh: T.N.

 

Bản tin của ICT ĐÀ NẴNG T.Ngọc – Thanh Hoàng