DHKT

Thuở nào… Một thời để nhớ, để tri ân và để thành công hơn

12/10/2017

 

Thuở nào… Một thời để nhớ, để tri ân và để thành công hơn

 

Tôi là GS.TS Lê Thế Giới, nguyên Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh nhiệm kỳ đầu tiên (1992-1995).

Còn nhớ sau khi tốt nghiệp đại học ngành Điều khiển học kinh tế vào giữa năm 1977 (Economic Sybernetics) và tốt nghiệp tiến sỹ ngành Kinh tế và Quản lý Học viên Timiriazev Moscow (TCXA) vào năm 1989, tôi về trường thì cuối năm 1990, đúng lúc Khoa Kinh tế Công nghiệp – Thương mại Trường đại học bách khoa Đà Nẵng bầu Trưởng khoa và được bổ nhiệm chức vụ Trưởng khoa nhiệm kỳ 5 năm.

Có lẽ công việc, cuộc sống và gia đình sẽ không có gì thay đổi nếu năm 1991 không có may mắn được theo học một khoá đào tạo của Viện phát triển kinh tế - Ngân hàng thế giới tài trợ và tổ chức tại Trường đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, đôi khi cuộc đời và số phận luôn có lý lẽ mà ta lầm tưởng là dành riêng cho ta, nhưng có thành công nào mà không trả giá. Khoá học với bốn môn học ưu tiên của Viện phát triển kinh tế - Ngân hàng thế giới do các giáo sư Hoa Kỳ giảng dạy và hướng dẫn làm bài bài tập nhóm: Quản trị học, Quản trị tài chính, Quản trị dự án, Quản trị sản xuất với thiện ý giúp các nhà quản trị doanh nghiệp lớn và các giảng viên đại học đưa các môn học này vào chương trình đào tạo đại học các ngành kinh tế và quản trị kinh doanh.

Trong khoá đào tạo này có các anh chị khoa Quản trị kinh doanh của Trường đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tham gia. Khi trao đổi với họ, tôi thấy họ rất ủng hộ, vì vào thời kỳ đó, sau Đại hội lần thứ 4 của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), sau hơn một thập kỷ nền kinh tế Việt Nam suy sụp do vẫn vận hành nền kinh tế theo cơ chế chỉ huy bởi nhà nước, vốn chỉ thích hợp trong bối cảnh đất nước trong cuộc chiến lâu dài vì mục tiêu bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, nhưng không phù hợp với một nền kinh tế có nhu cầu khẩn thiết là khôi phục và phát triển nhanh chóng sau chiến tranh. Bài học lịch sử là: Trong hai cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) và thứ hai (1939-1945), tất cả các quốc gia tham chiến đều vận hành nền kinh tế theo cơ chế chỉ huy bởi nhà nước, và rồi khi cuộc chiến kết thúc tất cả các quốc gia, nếu không muốn nói là tuyệt đại đa số đã trở về với cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Trong bối cảnh ấy, sau nhiều trăn trở, thậm chí tiên lượng rất chủ quan và mạo hiểm (cảm nhận chủ quan với mong muốn dự cảm của mình không sai lầm), sau khi trao đổi với một số đồng nghiệp tôi đề xuất với Hiệu trưởng Đại học bách khoa Đà Nẵng là thầy Tiến sỹ khoa học Phan Kỳ Phùng, một người rất ủng hộ đổi mới cho mở ngành “Quản trị kinh doanh”, thầy cân nhắc rất kỹ vì vào thời kỳ cách đây 25-27 năm nói đến ngành Quản trị kinh doanh ít người biết đó là gì, vì các phương tiện truy cập thông tin rất lạc hậu, không trách họ được, điều đó đồng nghĩa với rất nhiều ý kiến phản đối và thách thức, cách duy nhất là xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo. May mắn, Bộ ủng hộ và nhà trường đã làm các thủ tục cần thiết để Bộ GD-ĐT ra quyết định mở ngành “Quản trị Kinh doanh” tại Khoa Kinh tế Công nghiệp - Thương mại, và thành lập Bộ môn Quản trị kinh doanh để quản lý ngành đào tạo này giữa năm 1992. 

Thời kỳ sau 1986, Bộ GD–ĐT chủ trương đào tạo 2 gia đoạn: đại cương (2 năm), sau đó thi vào ngành (2 năm). Khóa đầu tiên 1990, sau đào tạo đại cương (1990-1992), Trường đại học bách khoa Đà Nẵng tổ chức thi vào ngành Quản trị kinh doanh và lớp Quản trị kinh doanh đầu tiên bắt đầu vào học chuyên ngành. Tính đến nay đã có 24 khoá đại học chính qui, vừa làm vừa học, bằng 2,.. tốt nghiệp ra trường và rất nhiều trong số họ đã rất thành công trong sự nghiệp kinh doanh. Khoa tiếp tục mở hệ đào tạo sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ), và đã có hàng ngàn thạc sĩ, hàng chục tiến sĩ quản trị kinh doanh ra trường, có những đóng góp lớn cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Đến năm học mới 1992-1993 thành lập Khoa Quản trị kinh doanh, và tôi là Trưởng khoa đầu tiên cùng với những thầy giáo, cô giáo như thầy Nguyễn Hữu Hiển và thầy Nguyễn Xuân Lãn (PCN Khoa), thầy Nguyễn Thanh Liêm, thầy Đào Hữu Hoà, thầy Nguyễn Khoa Khôi, cô Võ Thị Thu Hà,… Cùng với các đồng nghiệp, chúng tôi ý thức rõ ràng là cần nhận biết nhu cầu của người học, nhận biết nhu cầu của doanh nghiệp, khách hàng tổ chức và cá nhân về một phương thức trao đổi đã được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới từ thời Adam Smiht (1776) trong cuốn The Wealth of Nations (1776), với cách giải thích cơ chế thị trường khá dễ hiểu là “invisible hand” (bàn tay vô hình). Sau đó đến đầu thế kỷ 20 nhiều quốc gia phát triển chủ tương một nền kinh tế thị trường có sự can thiệp của nhà nước để hạn chế các thất bại của thị trường (sử dụng nguồn lực không đầy đủ và lãng phí, phát triền không ổn định và có tính chu kỳ sinh ra lạm phát và thất nghiệp, phân phối không công bằng).

Nói thêm một chút khó khăn về giáo trình và tài liệu. Các đồng nghiệp ở Khoa QTKD trường ĐH Kinh tế Tp HCM chia sẻ những tài liệu họ biên soan được và ký tặng cho Khoa QTKD Trường ĐHBK Đà Nẵng. Nhân đây tôi xin bày tỏ lời cám ơn chân thành đến BCN Khoa QTKD của Trường đại học Kinh tế Tp HCM về những ủng hộ nhiệt tình, vô tư và đầy trách nhiệm đối với ngành Quản trị kinh doanh của đất nước chúng ta, trong đó có Khoa QTKD, Trường đại học kinh tế, Đại học Đà Nẵng. Xin cám ơn PGS.TS  Lê Thanh Hà (Trưởng Khoa), PGS.TS Nguyễn Thị Liên Diệp (PCN Khoa), GS.TS Hồ Đức Hùng (PCN Khoa), và nhiều đồng nghiệp khác đã ủng hộ, động viên, chia sẻ trong quá trình khẳng định ngành Quản trị kinh doanh (thu hút nhiều người học ở các cấp độ đào tạo đại học, thạc sỹ và tiến sỹ) ở Việt Nam.

Những tâm sự trên không vì kể lại câu chuyện mở ngành QTKD tại ĐHBK Đà Nẵng và nay là Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng khó khăn đến nhường nào. Những gì chúng ta đạt được, và may mắn thành công là nhờ sự tận tâm, đầy trách nhiệm và không vụ lợi của các thế hệ cô giáo và thầy giáo Khoa Quản trị kinh doanh, các khoa trong trường và lãnh đạo Trường đại học kinh tế, Đại học Đà Nẵng qua các thời kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ về tinh thần và vật chất, quan tâm giúp đỡ, động viên và chia sẻ với thầy và trò của Khoa đã nỗ lực cống hiến trong suốt hơn một phầm tư thế kỷ qua vì một Khoa Quản trị kinh doanh, một Trường đại học kinh tế hàng đầu của Việt Nam.

Trân trọng!