DHKT

Báo cáo kết quả hội thảo khoa học COMB 2015 ngày 12/9/2015

18/09/2015

HỘI THẢO KHOA HỌC

QUẢN TRỊ VÀ KINH DOANH COMB 2015

“Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC): Cơ hội, thách thức và giải pháp cho Doanh nghiệp”

 

 

Hoà trong không khí hân hoan đón mừng năm học mới, vào sáng 12/9/2015, tại Khách Sạn Minh Toàn Galaxy, Hội thảo khoa học Quản trị và kinh doanh lần 4 COMB 2015 được tổ chức với chủ đề “Cộng đồng kinh tế AEC, cơ hội -  thách thức và các giải pháp cho các doanh nghiệp”.  Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 150 đại biểu đến từ các Trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp khắp cả nước.


 PGS.TS Đào Hữu Hoà, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN phát biểu chào mừng Hội thảo.

Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu và các nhà quản trị doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ và phát triển nhận thức về các thách thức và cơ hội trong bối cảnh hội nhập cộng đồng kinh tế chung AEC và đề xuất các giải pháp cho các doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập này.

 

Hội thảo khoa học COMB là hoạt động khoa học thường niên được Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức cùng với Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng. Khoa Quản trị kinh doanh là đơn vị được Nhà trường giao nhiệm vụ chính trong phối hợp tổ chức hội thảo.

Description: http://due.udn.vn/Portals/0/Editor/TinTuc_SuKien/Image_Baiviet/Hoi%20thao%20COMB%2015/_MG_5352.JPG 

GS.TS Nguyễn Trường Sơn đang phát biểu đề dẫn

 

Ở phiên làm việc thứ nhất với chủ đề: Cộng đồng kinh tế Asean – Cơ hội và thách thức, Hội thảo đã nghe 2 báo cáo là:

-         Tự do hóa đầu tư trong AEC: Nội dung, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam của nhóm tác giả: TS Đoàn Gia Dũng – ĐHĐN; Ths Hoàng Thị Hoài Thương – ĐH Quy Nhơn và ThS Lương Tình – Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ.

-         Tương lai thị trường phân phối ngành bán lẻ tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa – Ths Phan Hải – GĐ Công ty BQ; TS Ngô Thị Khuê Thư – Trường ĐH Kinh tế, ĐHĐN.

Description: http://due.udn.vn/Portals/0/Editor/TinTuc_SuKien/Image_Baiviet/Hoi%20thao%20COMB%2015/_MG_5365.JPG

 

GS.TS. Lê Thế Giới đang chủ trì phiên 1

 

TS. Đoàn Gia Dũng đã chỉ ra những thách thức trong quá trình hội nhập AEC, đó là sự yếu kém năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt; sức ép từ nguồn hàng nhập khẩu và dịch vụ đầu tư; các lợi thế giá rẻ không còn tác dụng nữa,.. Bên cạnh đó Tiến sĩ cũng chỉ ra những cơ hội thu hút đầu tư; đẩy mạnh xuất khẩu;….

 

Nhóm nghiên cứu TS. Ngô Thị Khuê Thư và ThS Phan Hải đi vào một chủ đề cụ thể và nóng hơn trong bối cảnh sự sẵn sàng thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường bán lẻ của các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Nhóm nghiên cứu và các diễn giả khác cũng đã chỉ ra, sự cạnh tranh không chỉ sẽ diễn ra khi AEC có hiệu lực mà thực tế đã đang diễn ra, mãnh liệt từ phía các nhà đầu tư nước ngoài nhưng phía doanh nghiệp thì còn đang lung túng, loay hoay tại sân nhà.

 

Hội thảo nóng lên khi có những ý kiến từ phía doanh nghiệp về việc cần có các giải pháp cụ thể hơn cho các doanh nghiệp, hay điển hình như cần có giải pháp cụ thể cho thị trường nông thôn. Và sự quan tâm đó từ các doanh nghiệp cũng chính là chủ đề cho phiên 2Giải pháp cho doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập AEC.

 

Description: http://due.udn.vn/Portals/0/Editor/TinTuc_SuKien/Image_Baiviet/Hoi%20thao%20COMB%2015/_MG_5391.JPG

TS. Đoàn Gia Dũng đang báo cáo kết quả nghiên cứu

 

Các báo cáo chuyên đề ở phiên 2

-         Đầu tư cho nguồn nhân lực để tạo lợi thế cạnh tranh khi gia nhập AEC – TS Nguyễn Thị Bích Thu – Trường ĐH Kinh tế; ThS Lê Thị Nam Phương – Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng

-         Thủ tục hải quan và chính sách thuế đối với hàng hòa xuất khẩu, nhập khẩu trong cơ chế vận hành của Cộng đồng kinh tế Asean – TS Nguyễn Quốc Tuán – Trường ĐH Kinh tế; ThS Trần Văn Anh – Hải quan TP Đà Nẵng

-         Quản trị sự thay đổi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập – Ths Nguyễn Phú Tân – GĐ Công ty Tư vấn quản lý doanh nghiệp Jefferson.

 

TS. Nguyễn Thị Bích Thu, bằng bài tham luận của mình đã đề ra giải pháp về việc ứng dụng đào tạo nguồn nhân lực vào thực tiễn như là một dự án đầu tư và khi đó cần đánh giá hiệu quả của nó. Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất mô hình phối hợp giữa Khoa, Trường với các Doanh nghiệp trong xác định nhu cầu đào tạo.

 

Nhóm nghiên cứu TS. Nguyễn Quốc Tuấn và ThS. Trần Văn Anh đi vào một chủ đề thiết thực của quá trình hội nhập, đó là vấn đề hải quan và chính sách thuế trong tiến trình hội nhập. Với chủ đề này, nhiều doanh nghiệp mong muốn ngành hải quan cần có những cải tiến trong giao dịch với doanh nghiệp và mong muốn thái độ quan tâm, phục vụ doanh nghiệp trong công tác hải quan.

 

ThS Nguyễn Phú Tân đã đem đến cho hội nghị những minh chứng hung hồn về sự thành bại của một doanh nghiệp như là sự đồng hành với sự đổi mới, chấp nhận và tiên phong quản trị sự thay đổi.


 ThS. Phan Hải, Phó CT Hội Doanh nhân trẻ nhấn mạnh vai trò của các cấp quản trị trong tiến trình đổi mới và quản trị sự thay đổi.


Chia sẻ với những sự trăn trở của các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp, PGS.TS. Đào Hữu Hoà tiếp theo sức mạnh cho hội thảo bằng bài phát biểu kết thúc phiên hai, bên cạnh ghi nhận những thách thức đối với doanh nghiệp, Tiến sĩ đã chỉ ra những triển vọng của hội nhập và truyền cảm hứng và niềm tin cho các doanh nghiệp vào sự thông minh, ngoan cường của người Việt Nam trong các giai đoạn phát triển của đất nước.

 

ThS Lê Văn Hiểu phát biểu ghi nhận những thành công của hội thảo, tổng kết hội thảo và định hướng cho sự phát triển hợp tác khoa học và toàn diện hơn với Khoa QTKD và Trường Đại học kinh tế. Nội dung báo cáo tổng kết hội thảo được trích dẫn dưới đây.

 

Báo cáo tổng kết hội thảo

 

TỔNG KẾT HỘI THẢO COMB 2015

“Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

Cơ hội – thách thức và giải pháp cho doanh nghiệp”

 

Sáng ngày 12 tháng 9 năm 2015, Hội thảo khoa học “Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) Cơ hội – thách thức và giải pháp cho doanh nghiệp” đã được tổ chức thành công. Đây là hội thảo về kinh doanh và quản trị được tổ chức thường niên trong khuôn khổ sự hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế Đại học Đà Nẵng, trực tiếp là Khoa Quản trị Kinh doanh và Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Đà Nẵng.

Ban tổ chức Hội thảo đã đánh giá và lựa chọn 50 bài viết chất lượng được đăng trong kỷ yếu hội thảo khoa học. Các chủ đề thảo luận của hội thảo tập trung vào hai khía cạnh lý thuyết và thực tiễn liên quan đến việc phân tích và nhận thức những cơ hội và thách thức của việc gia nhập AEC, những thay đổi và giải pháp của các cấp chính quyền, của các doanh nghiệp nhằm hội nhập AEC thành công.

Hội thảo đã vinh dự được đón tiếp trên 150 đại biểu là các nhà khoa học, các doanh nhân các nghiên cứu sinh và học viên cao học.

Hội thảo đã được nghe báo cáo đề dẫn, 06 báo cáo tham luận trao đổi của các nhà khoa học và nhiều ý kiến thảo luận tại chỗ. Báo cáo đề dẫn, các tham luận cùng các ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo đã bổ sung, làm rõ một số vấn đề sau đây:

1.    Việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ đặt ra những cơ hội và thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Với quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, nếu không có sự chuẩn bị và thay đổi tích cực, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó khai thác các cơ hội có thể có được, những khó khăn đặt ra sẽ trở nên vô cùng to lớn.

2.    Trong khi thời điểm thành lập AEC đang đến gần, những áp lực cạnh tranh đang hình thành rõ nét thì việc tuyên truyền và nhận thức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, của các cơ quan nghiên cứu và đào tạo, của các cấp chính quyền đang khá mờ nhạt. Hội nhập AEC chưa thu hút được sự chú trọng đúng mức của mọi giới.

3.    Để hội nhập thành công, bên cạnh việc tuyên truyền vận động hết sức quyết liệt và thiết thực, các cấp chính quyền cần chú trọng hơn nữa việc hoàn thiện môi trường đầu tư, tăng cường tính minh bạch trong quản lý và điều hành vĩ mô, tăng cường tính bình đẳng đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chú trọng các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập.

4.     Để hội nhập thành công các doanh nghiệp cần xây dựng và điều chỉnh chiến lược phù hợp với bối cảnh và tình hình mới khi AEC hình thành; điều chỉnh chính sách quản trị nguồn nhân lực để tránh tình trạng chảy máu chất xám của đội ngũ lao động có trình độ cao trong doanh nghiệp; thực hiện mạnh mẽ liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa trong nước với nước ngoài nhằm tận dụng chuỗi cung ứng nguyên liệu trong ASEAN, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, may mặc, phát triển công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ du lịch và giải trí... Các doanh nghiệp cần tận dụng nền tảng thương mại để mở ra liên kết, xúc tiến thương mại và đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua các nỗ lực bền bỉ về nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu.

5.    Các Cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh hơn nữa việc quốc tế hóa các chương trình đào tạo, xây dựng và kiểm định các chương trình đào tạo theo các chuẩn quốc tế nhằm tạo sự thừa nhận về bằng cấp và trình độ đào tạo tại các nước trong khu vực. Hiện nay mới chỉ có Lào và Campuchia công nhận bằng cấp của Việt Nam. Đây là một thách thức rất lớn.

6.    Đối với từng người dân: Hội nhập AEC đang đặt ra những cơ hội hết sức rõ ràng về việc tự do dịch chuyển lao động có trình độ cao giữa các nước trong khu vực nhằm tận hưởng các điều kiện làm việc và chính sách đãi ngộ tốt hơn. Điều này đặt ra những cơ hội lớn, tuy nhiên người lao động Việt Nam buộc phải cạnh tranh với người lao động các nước ASEAN ngay tại Việt Nam. Từng người dân, cần tranh thủ mọi cơ hội để học tập, cần trang bị cho mình những chứng chỉ đào tạo quốc tế để chủ động hội nhập.

 

Trên đây là những kết luận của Ban tổ chức điều hành Hội thảo. Hy vọng những điều rút ra được từ Hội thảo là những gợi ý thiết thực cho các nhà nghiên cứu, các nhà doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô.

Xin tạm biệt quý vị đại biểu! Và hẹn gặp lại vào Hội thảo COMB 2016 tổ chức vào trung tuần tháng 9 năm 2016.

Xin trân trọng cám ơn.

 

 

BAN TỔ CHỨC

 

Bên lề Hội thảo

            Không khí và tinh thần hội thảo COMB 2015 nóng trước, trong và sau hội thảo. Như được tiếp sức niềm tin ở sự thành công vào sự hợp tác, trong buổi giải lao giữa hai phiên và trong những trao đổi giữa Khoa, Nhà trường và Hội doanh nghiệp trẻ sau đó, GS.TS. Nguyễn Trường Sơn - Trưởng khoa QTKD và ThS. Lê Văn Hiểu – Chủ tịch hội doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng đã phát triển những định hướng sự hợp tác giữa Khoa QTKD và Hội doanh nhân trẻ trong thời gian đến. Nhiều ý tưởng đã thảo luận và hướng ứng và theo đó những điểm nổi bật có thể nêu đó là:

-       Phát triển hơn nữa sự hợp tác giữa Hội Doanh nhân trẻ và Khoa, nâng tầm hội thảo COMB 2016 và các hợp tác khác trong tương lai.

-       Phát triển sự hợp tác sâu rộng và mạnh mẽ hơn trong hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học, trải nghiệm thực tiễn tại các doanh nghiệp của Hội và phát triển kỹ năng nghề nghiệp, triển khai cụ thể trước mắt ở chương trình thực tập sinh dành cho các sinh viên các chuyên ngành của Khoa.

-       Tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và các nhà khoa học đang giảng dạy tại Khoa. Các giảng viên của khoa sẽ tham gia tư vấn và phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra tại mỗi doanh nghiệp.

 

Đọc thêm các bài về hội thảo

 Bản tin Phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng (có đường link tải Kỷ yếu hội thảo):

http://due.udn.vn/vi-vn/phongkhsdhhtqt/phongkhsdhhtqtchitiet/id/2905/cid/516

Bản tin Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng:

http://due.udn.vn/vi-vn/tintuc/tintucchitiet/id/2892/bid/455

Báo Công an Đà Nẵng: 

http://cadn.com.vn/news/99_137423_co-ng-do-ng-kinh-te-asean-co-ho-i-tha-ch-thu-c-va-.aspx

Báo Lao động:

http://laodong.com.vn/kinh-te/thach-thuc-lon-doi-voi-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-375691.bld

ICT Đà Nẵng:

http://ictdanang.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=9808:comb-2015-ban-ve-co-hoi-thach-thuc-tu-cong-dong-kinh-te-aecq-doanh-nghiep-viet-dang-can-giai-phap-can-co-nao-&catid=31&Itemid=27

 

Bản tin truyền hình

     Bản tin tối 12/09/15 của DRT

     http://www.drt.danang.vn/#v


Quốc Tuấn