DHKT

MỤC TIÊU CỦA KỲ THỰC TẬP CHUYÊN NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH

1.    Mục tiêu của kì thực tập:

Sau kỳ thực tập sinh viên phải hoàn thành hai loại mục tiêu sau:

  1. Mục tiêu về kiến thức:
  • Quan sát và học hỏi được những quy trình, sự vận hành, phương án thực tiễn của đơn vị thực tập.
  • Quan sát và học hỏi được các kinh nghiệm, kiến thức quản trị từ những người quản lí tại đơn vị thực tập.
  • Thông hiểu đặc điểm và năng lực cạnh tranh của đơn vị thực tập.
  • Ứng dụng, củng cố các kiến thức đã học ở Nhà trường thông qua làm việc tại doanh nghiệp.
  • Hiểu rõ thông tin về hoạt động nghề nghiệp, làm quen với các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp.

 

  1. Mục tiêu về kĩ năng:
  • Phát triển được kĩ năng tự nhận thức, đánh giá cơ hội, xác định các mục tiêu nghề nghiệp cá nhân và xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu đó.
  • Phát triển các kĩ năng: làm việc nhóm, truyền thông, quản lí thời gian, đánh giá con người, thương lượng và làm việc trong môi trường áp lực cao.
  • Hoàn thiện được khả năng tư duy tích cực và thích nghi một cách linh hoạt với môi trường làm việc chuyên nghiệp, có khả năng quản lí các thông tin hỗ trợ việc ra quyết định.
  • Rèn giũa tinh thần chuyên nghiệp trong công việc bao gồm các đức tính như sự trung thực/liêm chính, tinh thần trách nhiệm/độ tin cậy, sự tôn trọng người khác.
  • Phát triển khả năng làm việc độc lập và làm việc với người khác, trong và ngoài tổ chức, áp dụng các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp.

 

 

Sinh viên lớp 37K2 trong kì thực tập

2.    Nhiệm vụ cam kết với khoa (quan sát):

 

Các công việc phục vụ cho việc học hỏi và tìm hiểu các kĩ năng, kinh nghiệm quản trị của những người có nhiệm vụ quản lí tại đơn vị thực tập.

Sinh viên cần có sự chấp thuận của đơn vị thực tập và khoa để thực hiện các nhiệm vụ này. Sinh viên dự kiến sẽ dành không quá 30% thời gian tại đơn vị thực tập để hoàn thành.

Giáo viên hướng dẫn sẽ đánh giá bản mô tả công việc dựa trên mức độ liên quan của các nhiệm vụ  này với vị trí công việc.

VÍ DỤ CHO BỘ MÔN TỔNG QUÁT
  1. THÔNG TIN CHUNG
  1. Sinh viên thực tập :           Phan Văn A
  2. Lớp                       :           37K02
  3. Đơn vị thực tập     :           Công ty TNHH XYZ
  4. Địa chỉ                   :           XX Phan Châu Trinh, Hải Châu, Đà Nẵng
  5. Phòng ban             :           Bộ phận kinh doanh
  6. Vị trí                      :           Trợ lí cho trưởng bộ phận kinh doanh
  1. NHIỆM VỤ:
  1. Nhiệm vụ cam kết với đơn vị thực tập:
    • Hỗ trợ trong việc điều tra và nghiên cứu các sự kiện về việc quảng bá cho công ty, tổng hợp các báo cáo về số liệu từ những sự kiện này.
    • Hỗ trợ trong việc thu thập thông tin khách hàng, giữ liên lạc với các khách hàng cùng với trưởng bộ phận.
    • Tham gia với trưởng bộ phận vào các cuộc họp, các cuộc gặp mặt trong công ty hoặc với khách hàng, hỗ trợ trong việc thu thập các mối quan hệ mới và ghi chép diễn biến của buổi họp.
    • Hỗ trợ trong việc chuẩn bị các văn bản của bộ phận: Hợp đồng, giấy mời họp, các loại báo cáo khác nhau, thư cảm ơn, v.. v..
  2. Nhiệm vụ cam kết với khoa:
    • Tìm hiểu về cơ cấu tổ chức, cách giao tiếp giữa các đồng nghiệp trong công ty cũng như cách công ty truyền nguồn cảm hứng cho nhân viên thông qua sứ mệnh, viễn cảnh.
    • Quan sát và tìm hiểu cách công ty tạo dựng và duy trì mối quan hệ với khách hàng.
    • Quan sát và học hỏi cách trưởng bộ phận giao tiếp với các đồng nghiệp và cách chỉ đạo cũng như tính chuyên nghiệp trong môi trường kinh doanh.
    • Tiếp nhận các nhiệm vụ trực tạm thời cho bộ phận như các nhân viên khác: trả lời điện thoại, tiếp khách, dọn dẹp phòng, và các nhiệm vụ hiện hữu khác.
    • Tham gia các cuộc họp của bộ phận và ghi chép các ý chính.
  1. TIÊU CHUẨN CÔNG VIỆC
    1. Kiến thức:
  • Đơn vị thực tập:
    • Thành thạo các kiến thức về công nghệ: Microsoft Word, Excel, và Access. Ngoài ra có khả năng tiếp thu các cách làm việc của các chương trình khác mà bộ phận sử dụng.
  • Khoa QTKD:
    • Các kiến thức căn bản cho nhà quản trị ở vị trí TT: quản trị nhân sự và quản trị tài chính…
      1. Kĩ Năng:
  • Đơn vị thực tập:
    • Nhanh nhẹn, tháo vát, có tính kĩ lưỡng, đặt biệt trong việc thống kê các danh sách lớn.
    • Có khả năng học tập, tiếp thu các công việc mới tốt.
    • Có khả năng giao tiếp tốt, làm việc hiệu quả trong môi trường đòi hỏi làm nhiều việc cùng lúc.
    • Có khả năng lắng nghe, ghi chép các chi tiết một cách kĩ càng, cẩn thận.
    • Tính cam kết với công việc cao, sẵn sàng giành thời gian cho các công việc đột xuất.
  • Khoa QTKD:
    • Khả năng tự đánh giá bản thân, nắm bắt các cơ hội trong nghề nghiệp.
    • Kĩ năng phân tích các chức năng và tính hiệu quả của bộ phận cũng như các thành phần khác của công ty.
      1. Yêu cầu khác:

                  [Các yêu cầu về thái độ cam kết, các luật lệ mà đơn vị làm việc yêu cầu ở sinh viên.]

Các bạn sinh viên đang bảo vệ cuối kì thực tập năm 2014

3.    Mục tiêu thực tập cho việc viết kế hoạch:

 

Dựa theo chuẩn đầu ra của bộ môn Tổng Quát:

 

1. Kiến thức

Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên nắm vững các kiến thức sau :

- Kiến thức cơ bản trong lĩnh vực kinh tế như: kinh tế chính trị, kinh tế học, luật kinh tế…

- Kiến thức về Ngành và lĩnh vực kinh doanh.

- Kiến thức liên quan đến khả năng thực thi 4 chức năng của quản trị : hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra trong mọi lĩnh vực: sản xuất, tài chính, marketing, nguồn nhân lực… tại mọi vị trí, cấp bậc quản trị, từ quản trị viên cho đến nhà quản trị cấp cao.

- Hệ thống kiến thức toàn diện liên quan đến chiến lược của một tổ chức, lãnh đạo, điều hành một doanh nghiệp, kiến thức liên quan tới việc phối hợp một cách có hệ thống toàn bộ các hoạt động chức năng của tổ chức.

- Kiến thức liên quan đến việc nhận diện những cơ hội kinh doanh hấp dẫn và khởi nghiệp thành công một tổ chức kinh doanh.

2. Kỹ năng

- Kỹ năng phân tích, thông hiểu toàn bộ các vấn đề của môi trường kinh doanh mà tổ chức đang hoạt động.

- Kỹ năng ra quyết định, bao gồm tất cả các quyết định thuộc mọi cấp, từ cấp tác nghiệp cho đến cấp chiến lược; thuộc mọi chức năng, sản xuất, tài chính, marketing, nhân sự…, đặc biệt là kỹ năng ra quyết định trong một môi trường thay đổi nhanh chóng như hiện nay.

- Kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm. Sinh viên chuyên ngành Quản trị kinh doanh được rèn luyện và phát triển các kĩ năng liên quan đến việc thấu hiểu con người, kĩ năng truyền thông, tương tác với người khác, kĩ năng lãnh đạo để đạt được các mục tiêu mà tổ chức mong muốn.

- Kỹ năng giao tiếp, truyền thông, hợp tác… liên quan đến việc duy trì mối quan hệ với nhà cung cấp, khách hàng, cộng đồng kinh doanh hay các bên hữu quan.

- Kỹ năng tìm kiếm và nhận thức cơ hội kinh doanh, kĩ năng sáng tạo để hình thành các cơ hội kinh doanh mới, kĩ năng tìm kiếm, liên kết các nguồn lực của bản thân để khởi nghiệp…

- Các kỹ năng liên quan tới việc gia tăng hiệu quả làm việc của bản thân như kĩ năng tư duy, làm việc độc lập, sáng tạo, kĩ năng sống và làm việc trong điều kiện môi trường căng thẳng, khắc nghiệt…

- Kỹ năng liên quan tới việc truyền thông, giao tiếp bằng ngoại ngữ với trình độ tiếng Anh tương đương TOEIC 500 hoặc tiếng Pháp DELF A2 hoặc có chứng chỉ các ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 – Khung chung châu Âu (Common European Framework – CEF).

- Những kỹ năng cơ bản về tin học và khả năng ứng dụng các phần mềm vào quản lý doanh nghiệp.

3. Thái độ và hành vi

- Thể hiện các hành vi phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung của xã hội

- Có đạo đức nghề nghiệp, không kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng không tốt tới người tiêu dùng, môi trường và xã hội.

- Quan tâm đến sự phát triển của nhân viên, nguồn lực quan trọng của tổ chức; sự phát triển của các đối tác, nhà cung cấp, nhà phân phối, khách hàng, cộng đồng kinh doanh…, coi đó là nền tảng, là điều kiện để tố chức phát triển bền vững trong dài hạn.

- Tôn thờ các giá trị của một doanh nhân chân chính như: giá trị của việc làm giàu một cách chân chính; doanh nhân chân chính là người tìm kiếm lợi nhuận, sự thịnh vượng trên cơ sở đem lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng; coi việc làm giàu chân chính là mục tiêu, là niềm mơ ước của cuộc đời.

- Thông hiểu giá trị to lớn nhất mà một nhà quản trị hay một doanh nhân đem lại cho cộng đồng đó chính là những hàng hóa, dịch vụ có ích cho người tiêu dùng và cộng đồng; đó là việc làm, là lợi ích mà người lao động của tổ chức có được; đó là việc sử dụng tiết kiệm, hợp lí các nguồn lực đầu vào; đó là việc nộp thuế một cách đầy đủ và chính xác…

- Có nhận thức đúng đắn, lòng đam mê và trách nhiệm đối với nghề nghiệp.

- Có thái độ tích cực, chủ động, tinh thần cầu tiến và cam kết cao trong công việc.

- Có ý thức kỉ luật tốt đối với bản thân cũng như công việc.

- Tôn trọng cấp dưới, đồng nghiệp và cấp trên. Duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với bạn bè, đồng nghiệp, cấp dưới cũng như cấp trên, hay các bên hữu quan.

 

  • Mục tiêu về kiến thức: Sinh viên sẽ nêu danh sách các mục tiêu về sử dụng cũng như học hỏi thêm kiến thức từ đơn vị thực tập. Các mục tiêu về kiến thức sẽ được phân thành hai phần chính: Kiến thức thực tế, bao gồm các kiến thức chính mà công việc tại đơn vị thực tập đem lại cho sinh viên, và Kiến thức ứng dụng, bao gồm các kiến thức đã học trong trường mà sinh viên ứng dụng để tìm hiểu và giải quyết vấn đề tại đơn vị thực tập. Số lượng mục tiêu sẽ do GVHD quyết định cho sinh viên (khoảng 5-6 mục tiêu tổng cộng). Sau đây là một số ví dụ.

 

Thực tế:

  • Nắm được kiến thức về ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, phân tích được vấn đề của môi trường kinh doanh mà tổ chức đang hoạt động.
  • Thông hiểu được chức năng cơ bản, quy trình hoạt động của đơn vị thực tập. Phân tích được khả năng tương tác giữa đơn vị với các chức năng khác trong việc thực hiện chiến lược của tổ chức.

 

Chuyên ngành:

  • Học hỏi và đánh giá việc quản lí nhân viên và công việc của những người đứng đầu trong đơn vị hoặc của các đơn vị khác, từ việc tiếp xúc, truyền đạt cho nhân viên đến việc thấu hiểu công việc và đưa ra các quyết định mới cho đơn vị.
  • Nhận diện, đánh giá các cơ hội kinh doanh và các tình huống đòi hỏi tính quyết đoán cao.

 

  • Mục tiêu về kĩ năng: Sinh viên sẽ quyết định ít nhất 3 kĩ năng chính mà sinh viên mong muốn hoàn thành làm mục tiêu cho kì thực tập. Các kĩ năng này bao gồm các nhóm kĩ năng kinh doanh căn bản, hoặc kĩ năng đặc thù của chuyên ngành, hoặc cả hai. GVHD có thể gợi ý các mục tiêu về kĩ năng cho sinh viên lựa chọn. Sau đây là một số ví dụ.

 

Kĩ năng căn bản:

  • Kĩ năng quản trị thái độ cá nhân, theo sát tính chuyên nghiệp của một người trong ngành kinh doanh tương lai.
  • Kĩ năng làm việc nhóm để hướng đến mục tiêu hiệu quả của tổ chức
  • Kĩ năng làm việc linh hoạt, thích ứng với công việc và môi trường làm việc mới, tiếp thu các kiến thức một cách nhanh chóng

Kĩ năng chuyên ngành:

  • Kĩ năng phân tích, thông hiểu các vấn đề của môi trường kinh doanh mà tổ chức đang hoạt động (Phân tích các năng lực cạnh tranh, SWOT, bảng phân tích môi trường kinh doanh và các cách phân tích khác để xác định sự phù hợp giữa chiến lược kinh doanh với vị thế hiện tại của đơn vị)
  • Kĩ năng giao tiếp, tác động đến những người xung quanh trong môi trường làm việc, được học hỏi từ các nhà quản lý trong đơn vị thực tập
  • Kĩ năng bán các ý tưởng, sản phẩm hay dịch vụ cho nhà đầu tư, khách hàng, hay nhân viên trong bất cứ môi trường nào. Cần biết khi nào nên bỏ qua và tiếp tục với các cơ hội khác.