DHKT

SẴN SÀNG THÍCH ỨNG VỚI THỜI ĐẠI MỚI - THỜI ĐẠI CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 VÀ HẬU COVID-19: CHỌN NGÀNH HỌC CHUYÊN SÂU HAY CHỌN NGÀNH HỌC LINH HOẠT?

Sáng kiến “Hộ chiếu Logistics Thế giới” đem đến nhiều cơ hội cho ngành Logistics và Quản trị Chuỗi cung ứng

Hộ chiếu Logistics Thế giới (World Logistics Passport – WLP) là sáng kiến của các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) được hình thành với mục tiêu hỗ trợ giao thương giữa các thị trường mới nổi, đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA).


Việt Nam là quốc gia thứ năm ở châu Á cam kết tham gia WLP, sau Thái Lan, Indonesia, Kazakhstan và Ấn Độ. Hiện tại, có hơn 10 quốc gia đang tham gia chương trình chiến lược này, bao gồm các trung tâm lớn trên bản đồ giao dịch toàn cầu như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi cũng như các tập đoàn đa quốc gia lớn như UPS, Pfizer, Sony, Johnson & Johnson, LG, ...

Tham gia sáng kiến, các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt khi được UAE cấp hộ chiếu Logistics đều được tạo thuận lợi và hỗ trợ về thông quan, miễn thuế hàng không, giảm thời gian kiểm tra và đưa lên phương tiện vận tải nhanh chóng, miễn phí, giảm thời gian lưu kho lên tới 48 giờ. Bên cạnh đó, hàng hóa có thể được thông quan trước khi đến cảng, nhờ đó dự kiến sẽ tiết kiệm thời gian và hàng nghìn USD cho mỗi lần thông quan và rút ngắn thời gian vận hành. Sáng kiến sẽ giúp hoạt động giao thương của doanh nghiệp Việt Nam được thuận lợi hơn. Một số cảng của UAE sẽ thực hiện miễn giảm thuế, phí cho hàng hóa có hộ chiếu Logistics, hàng hóa khi qua con đường tơ lụa Dubai sẽ tiết kiệm tiền lưu kho; có thể chuyển hàng thông suốt từ nơi xuất phát cho đến đích.

Theo đó, việc trở thành thành viên chính thức của WLP được kỳ vọng góp phần cải thiện các hoạt động Logistics cũng như chi phí của doanh nghiệp Việt Nam hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy hoạt động thương mại của Việt Nam lên một bước tiến mới.

Khả năng giao thương ngày càng lớn với nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thế giới kéo theo công việc của ngành Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng càng nhiều, nhu cầu về dịch vụ Logistics tăng cao, đòi hỏi một lượng nhân lực lớn và có chất lượng cao làm việc cho ngành này. Chức năng của ngành Logistics không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hư hỏng ....

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu phát triển Logistics, hơn 50% doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay thiếu đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn về Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng, khoảng 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng Logistics của Việt Nam nhanh, đạt bình quân 14-16%/năm, như vậy, cơ hội việc làm cho ngành học này là rất rộng mở.


Theo dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), đến năm 2030, nhu cầu nhân lực chuyên nghiệp cho toàn ngành Logistics là 200.000 nhân sự. Bên cạnh đó, theo phân tích trong Báo cáo Logistics Việt Nam 2019 của Bộ Công thương, nhu cầu nhân lực Logistics từ phía ngành dịch vụ Logistics cũng như các ngành sản xuất đến năm 2030 là 2,2 triệu nhân lực ở các cấp độ.

Hiểu được nhu cầu đó, Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng trong những năm qua đã tích cực xây dựng và chuẩn hóa chương trình đào tạo Logistics theo chuẩn quốc tế nhằm giúp người học có kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, ý thức cộng đồng cùng nền tảng ngoại ngữ vững vàng để có thể làm việc trong ngành Logistics trong nước cũng như môi trường Logistics quốc tế.

Mùa tuyển sinh 2021-2022, khoa Quản trị Kinh doanh, riêng ngành Quản trị Kinh doanh có 400 chỉ tiêu, xét tuyển theo 04 phương thức linh hoạt, mềm dẻo, tạo cơ hội trúng tuyển cao cho thí sinh. Sau khi trúng tuyển, sinh viên có cơ hội lựa chọn chuyên ngành theo nguyện vọng, với Quản trị Chuỗi cung ứng và Logistics là một trong số đó.

Thí sinh quan tâm vui lòng truy cập trang tuyển sinh của trường để biết thêm thông tin và nhận sự tư vấn (http://due.udn.vn/vi-vn/tuvantuyensinh2021/gt/cid/4568)