DHKT

Ứng dụng CNTT là nền tảng đổi mới đào tạo nghiệp vụ ngành Tài chính - Ngân hàng

26/05/2017

(ICT Đà Nẵng) - "Lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng là lĩnh vực ứng dụng mạnh mẽ Công nghệ thông tin (CNTT), nên ngoài quy định chuẩn đầu ra về kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản và nâng cao, Khoa chú trọng việc nâng cao kỹ năng sử dụng thành thạo CNTT trong chuyên ngành. Kỹ năng đó phải hình thành khi sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường", Phó GS.TS Lâm Chí Dũng-Trưởng khoa Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) nhấn mạnh.

Với chủ đề “Khẳng định giá trị - Hướng tới tương lai”, ngày 14/5, Khoa Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 30 năm đào tạo.

Thừa ủy nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng, đã trao Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đến Tập thể Khoa Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) và tặng hoa chúc mừng Phó GS.TS Lâm Chí Dũng- Trưởng khoa.

- Ảnh trong bài: T.Ngọc.

Được biết, Phân hiệu Đại học Kinh tế Đà Nẵng, tiền thân của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã tuyển sinh khóa I, hệ Đại học chính quy chuyên ngành Ngân hàng - Chương trình đào tạo Cử nhân chuyên ngành Ngân hàng đầu tiên tại miền Trung – Tây nguyên, vào tháng 9/1987.

Từ đó đến nay sự nghiệp đào tạo ngành Ngân hàng của Nhà trường đã có những bước phát triển đáng kể.
Ngoài liên tục tuyển sinh 30 khóa Đại học Ngân hàng chính quy, các hệ đào tạo vừa làm vừa học, cao đẳng, liên thông cũng đã được triển khai. Từ năm 2006, với đội ngũ chủ lực là giảng viên 2 khoa Ngân hàng và Tài chính hiện nay, lớp Cao học ngành Tài chính – Ngân hàng đầu tiên được mở và đến năm 2014, hệ nghiên cứu sinh đào tạo tiến sĩ cũng đã bắt đầu tuyển sinh. Tính đến thời điểm hiện tại, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) là trường duy nhất trên địa bàn Miền Trung–Tây Nguyên tổ chức đào tạo Thạc sĩ và Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng.
Và tính từ khóa tuyển sinh đầu tiên, Khoa Ngân hàng Nhà trường đã góp phần đào đạo gần 10.000 nhân lực chất lượng cao (bao gồm cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ) cho lĩnh vực Ngân hàng nói riêng và các lĩnh vực kinh tế nói chung trên toàn quốc.
Giúp sinh viên từ làm quen đến làm chủ nghiệp vụ sớm hơn, qua máy tính hiện đại; qua phần mềm ảo,...
ICT Đà Nẵng đã phỏng vấn nhanh Phó GS.TS Lâm Chí Dũng- Trưởng khoa:
Thưa ông, CNTT đã đóng vai trò như thế nào trong đào tạo của Khoa ? Ban lãnh đạo Khoa đã triển khai ứng dụng CNTT như thế nào vào phương pháp và nội dung đào tạo ? Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong thời gian đến, thưa ông, CNTT sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong ứng dụng tại Khoa như thế nào ?, và có yếu tố đột phá nào về phương pháp cũng như nội dung đào tạo, liên quan đến CNTT ?

Phó GS.TS Lâm Chí Dũng:
CNTT đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giảng dạy, Khoa luôn luôn chú trọng tận dụng tối đa tính năng các công cụ hỗ trợ của CNTT trong việc lên lớp và toàn bộ giảng viên hiện nay có khả năng ứng dụng tốt các phương tiện hiện đại như máy tính, máy chiếu, các phần mềm ứng dụng chuyên ngành trong giảng dạy.
Ban lãnh đạo Khoa cũng thường xuyên khuyến khích các giảng viên thực hiện giảng dạy thông qua hệ thống E-learning của Nhà trường nhằm hỗ trợ cho sinh viên trong quá trình tổ chức làm việc nhóm, tự học và thảo luận cho sinh viên.
Lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng là lĩnh vực ứng dụng mạnh mẽ CNTT, nên ngoài quy định chuẩn đầu ra về kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản và nâng cao, Khoa chú trọng việc nâng cao kỹ năng sử dụng thành thạo CNTT trong chuyên ngành của sinh viên tốt nghiệp.
Hiện nay, Nhà trường đã đầu tư cho Ngành Tài chính – Ngân hàng 1 phòng máy tính rất hiện đại và sắp tới sẽ trang bị các phần mềm chuyên ngành như: Phần mềm Ngân hàng ảo; Phần mềm Chứng khoán ảo để giúp sinh viên vừa nắm kiến thức vừa làm quen tiến tới làm chủ ngay với các nghiệp vụ mà các em sẽ đảm nhận sau khi ra trường…

Tôi cho rằng, Phòng máy tính này sẽ tạo điều kiện cho sinh viên có điều kiện thực hành tốt các nghiệp vụ chuyên ngành từ sớm và giảm sự bối rối của sinh viên khi tiếp cận thực tiễn.
Ngoài ra, Khoa sẽ chủ động phối hợp để tổ chức các workshop, seminar về An ninh ngân hàng với các chủ đề như: chia sẻ các kinh nghiệm làm về công nghệ tài chính (Finance Technology); định hướng cho các bạn sinh viên về xu thế của công nghệ trong ngành tài chính, nhằm giúp sinh viên hiểu và biết được xu thế công nghệ trong tất cả các ngành của tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cũng như nắm bắt được xu thế về ứng dụng công nghệ nói chung, CNTT nói riêng một cách kịp thời.
Qua đó,  các em tự xác định sớm cho mình định hướng nghề nghiệp và sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.


Phó GS.TS Lâm Chí Dũng:

Thưa ông, một trong những trọng tâm đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa trong bối cảnh đổi mới, hội   nhập sẽ là nội dung nào ? Giải pháp và biện pháp để thực hiện nội dung này gồm những gì ?

Phó GS.TS Lâm Chí Dũng: 

Một trong những trọng tâm đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa sẽ là đổi mới chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng được thiết kế theo hướng kết hợp giữa kiến thức hiện đại và những vấn đề đặc thù của môi trường hành nghề về lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Việt Nam.
Giải pháp và biện pháp để thực hiện nội dung này sẽ gồm: Chương trình đào tạo được rà soát, đánh giá hàng năm và cập nhật, đổi mới 4 năm 1 lần theo lộ trình chung của Nhà trường ; Chương trình đào tạo xây dựng được tham khảo chương trình đào tạo tương ứng của một số trường đại học uy tín trong nước và nước ngoài ; Tất cả các học phần có sự tương thích cao với môi trường quốc tế đều sử dụng 100% giáo trình nước ngoài, các học phần chuyên sâu đều sử dụng giáo trình tốt nhất của các trường trên thế giới.
Bên cạnh đó, phải tăng cường hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế và mời giảng viên đang công tác thực tế báo cáo đối với các học phần chuyên sâu có đặc thù về lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Việt Nam. 
Ngoài ra, định kỳ hàng năm, Khoa tổ chức khảo sát lấy ý kiến đánh giá của một số nhà tuyển dụng là lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng; của sinh viên sắp và đã tốt nghiệp về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo để làm cở sở cho việc đổi mới ngành.
Ngay từ những năm qua và hiện nay, chương trình đào tạo Cử nhân Tài chính-Ngân hàng của Khoa, thực tế đã tiệm cận được những tiêu chuẩn thực tiễn, tiên tiến, hiện đại và quốc tế về cả 3 mặt: kiến thức, kỹ năng và thái độ, hành vi.
Xin cảm ơn ông.

T.Ngọc thực hiện