DHKT

Thông tin tuyển sinh năm 2015 ngành Ngân hàng và Tài chính công

13/07/2015

  

MỘT SỐ ĐIỂM QUÝ VỊ PHỤ HUYNH VÀ CÁC HỌC SINH TỐT NGHIỆP PTTH CẦN LƯU Ý TRONG TUYỂN SINH ĐẠI HỌC VÀO NGÀNH NGÂN HÀNG VÀ TÀI CHÍNH CÔNG, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

----

1. Đặc điểm tuyển sinh của năm 2015

  • Chỉ tiêu tính cho cả ngành Tài chính – Ngân hàng, bao gồm 3 chuyên ngành: Ngân hàng, Tài chính Doanh nghiệp, Tài chính công là:  230
  • Cả ba chuyên ngành này đều được cấp chung bằng cử nhân Tài chính – Ngân hàng, sự phân biệt giữa 3 chuyên ngành là ở bảng điểm.
  • Điểm chuẩn tính theo ngành Tài chính – Ngân hàng.
  • Thí sinh được tự do lựa chọn giữa 3 chuyên ngành nếu đủ điểm chuẩn vào ngành. Không xác định chỉ tiêu riêng cho từng chuyên ngành.

 2. Khoa Ngân hàng đảm nhiệm đào tạo hai chuyên ngành là: Ngân hàng và Tài chính công. Bắt đầu từ năm 1987, chuyên ngành Ngân hàng đã được đào tạo. Đến nay các sinh viên, học viên cao học tốt nghiệp đã có mặt với số lượng lớn tại các ngân hàng trong khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, rất nhiều người đang nắm giữ những vị trí quản lý. Hiện Khoa đang đào tạo cả ba cấp độ: Đại học; Cao học và Nghiên cứu sinh tiến sỹ.     

2.1. Chuyên ngành Ngân hàng

a. Chỉ đào tạo chất lượng cao, không đào tạo đại trà. Chi tiết về các cam kết chung của chương trình đạo tạo chất lượng cao, xin tham khảo (link).

b. Một số điểm đặc thù của việc đào tạo chuyên ngành:

          (i) Chương trình đào tạo được thiết kế lại (bắt đầu áp dụng từ khoá tuyển sinh 2015) trên cơ sở kế thừa nhưng có rất nhiều điểm mới. Cụ thể:

          + Thay thế, bổ sung một số môn học mới hoàn toàn, trong khung chương trình chung và chuyên ngành như: Giao tiếp kinh doanh; Hành vi tổ chức; Nhập môn kinh doanh; Tài chính cá nhân.

          + Tất cả những học phần có sự tương thích cao với môi trường quốc tế đều sử dụng 100% giáo trình nước ngoài, chỉ tính riêng các học phần chuyên sâu như: Thị trường và định chế tài chính; Tài chính công ty; Toán tài chính, Đầu tư Tài chính; Tài chính quốc tế; Tài chính công, Quản trị Ngân hàng; Thanh toán quốc tế; Tài chính cá nhân; Phân tích tín dụng và cho vay đều sử dụng giáo trình tốt nhất bằng tiếng Anh.

          + Cấu trúc lại chương trình để có sự kết hợp một cách hợp lý kiến thức hiện đại và những vấn đề đặc thù của môi trường hành nghề tại Việt Nam bằng hai giải pháp:

  • Có những học phần sử dụng giáo trình biên soạn phù hợp hoàn toàn với thực tiễn hành nghề đặc thù của Việt Nam như: Nghiệp vụ ngân hàng thương mại; Kế toán Ngân hàng, Định giá Tài sản..
  • Đối với những học phần giảng dạy bằng giáo trình nước ngoài, chương trình học và quá trình giảng dạy sẽ chú trọng liên hệ thực tiễn Việt Nam thông qua thảo luận, bài tập, tiểu luận, đề án,... và giảng dạy trên lớp của giảng viên.

(ii) Tăng cường các hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế, mời giảng viên đang công tác thực tế thỉnh giảng hoặc báo cáo thực tế.

(iii) Khoa cam kết sẽ phân công/mời những giảng viên tốt nhất tham gia giảng dạy.

(iv) Các môn học giảng dạy bằng tiếng Anh bảo đảm tỷ lệ cao hơn quy định chung về chương trình chất lượng cao.

(v) Sẽ bố trí trợ giảng ngôn ngữ để hỗ trợ sinh viên trong quá trình học các môn bằng tiếng Anh và làm đề án, tiểu luận, khoá luận hoặc đề tài nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh

(vi) Tăng cường các hoạt động thực hành trên các hệ thống ngân hàng ảo.

 

Quý vị phụ huynh và các em HS cần lưu ý một điểm cơ bản: chương trình chất lượng cao không phải  tập trung vào việc tuyển sinh đầu vào với chất lượng cao mà tập trung vào quá trình cung ứng dịch vụ đào tạo với chất lượng cao hơn so với mặt bằng chung, thể hiện ở 3 điểm cốt lõi:

  • Ưu tiên các nguồn lực, phấn đấu đạt chuẩn về: cơ sở vật chất; trang thiết bị; tỷ lệ giảng viên/sinh viên; số lượng sinh viên/ lớp học; giảng viên có chất lượng tốt nhất; có hệ thống trợ giảng; …
  • Chương trình tiệm cận ở mức cao chương trình đào tạo tương ứng ở các nước tiên tiến nhất nhưng vẫn đảm bảo thích ứng với môi trường hành nghề đặc thù của Việt Nam.
  • Chú trọng đến khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, bảo đảm sinh viên tốt nghiệp có năng lực để ứng tuyển vào các định chế tài chính đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam; các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, ngân hàng liên doanh… và các định chế tài chính khác của các nước ASEAN, nhất là sau thời điểm cộng đồng ASEAN được thành lập vào cuối năm 2015. Điều này được bảo đảm bằng:
    • Chương trình đào tạo hiện đại   Tăng cường kỹ năng tiếng Anh bằng
      • Tăng thời lượng học tiếng Anh;
      • Tăng yêu cầu chuẩn đầu ra về tiếng Anh; X
      • Bảo đảm tỷ lệ giảng dạy bằng tiếng Anh đối với một số học phần thích hợp; khuyến khích sinh viên làm đề tài nghiên cứu khoa học, tiểu luận, đề án, khoá luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh.    

c. Cơ hội việc làm

Nhằm thích ứng với bối cảnh việc làm hiện nay và trong tương lai, chủ trương của Nhà trường và Khoa là phải kết hợp đào tạo chuyên sâu với đào tạo theo diện rộng để tạo điều kiện mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Với bằng cử nhân Tài chính – Ngân hàng, cơ hội việc làm của sinh viên chuyên ngành này là rất rộng mở.

- SV tốt nghiệp có thể làm việc với rất nhiều các vị trí đa dạng trong các định chế tài chính ngân hàng và phi ngân hàng. Chỉ tính trong lĩnh vực các tổ chức tín dụng (Ngân hàng thương mại và các loại hình ngân hàng khác: Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng hợp tác xã; Quỹ tín dụng nhân dân; Tổ chức tài chính vi mô; Công ty tài chính, Công ty cho thuê tài chính..) các vị trí việc làm chủ yếu bao gồm: Nhân viên giao dịch; nhân viên tín dụng; Nhân viên quản trị rủi ro tín dụng; Nhân viên phân tích hệ thống; Nhân viên thanh toán quốc tế; Nhân viên kiểm toán và kế toán; Chuyên viên phân tích tài chính; Chuyên viên thực hiện dịch vụ uỷ thác; Chuyên viên dịch vụ tài chính cá nhân; Chuyên viên phân tích và kinh doanh chứng khoán; Chuyên viên kinh doanh ngoại hối; Chuyên viên thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư; Chuyên viên thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ..; các vị trí quản trị Phòng Giao dịch, Chi nhánh, Trưởng bộ phận… Các vị trí việc làm phù hợp cũng có thể được tuyển dụng tại các định chế tài chính khác: Công ty đầu tư, Quỹ đầu tư, Công ty chứng khoán, Công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, Bảo hiểm xã hội,…

  • Chuyên viên Ngân hàng Nhà nước các chi nhánh
  • Giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng
  • Nghiên cứu viên tại các cơ quan nghiên cứu và hoạch định chính sách
  • Chuyên viên trong các cơ quan công quyền, trước hết là các cơ quan quản lý Tài chính công.
  • Các vị trí việc làm liên quan đến lĩnh vực tài chính – kế toán trong các doanh nghiệp

 

2.2. Chuyên ngành Tài chính công 

 a. Tài chính công là một trong những chuyên ngành đào tạo thuộc ngành Tài chính – Ngân hàng do Khoa Ngân hàng quản lý. Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân Tài chính – Ngân hàng.

b. Chương trình đào tạo được thiết kế theo các định hướng cơ bản:

- Kết hợp những kiến thức nền tảng trong lĩnh vực tài chính với những kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp về tài chính công và quản lý tài chính trong khu vực công ở các cấp độ khác nhau - từ hoạch định chính sách cho đến tác nghiệp.

- Chương trình cũng được thiết kế nhằm thích ứng với việc đa dạng hóa nghề nghiệp của người học. Cụ thể, ngoài lĩnh vực chuyên sâu là Tài chính công, các kiến thức và kỹ năng cung cấp cũng giúp cho người học có đủ năng lực để làm việc trong các định chế kinh doanh tài chính, bao gồm ngân hàng thương mại và các định chế trung gian tài chính khác

- Chương trình đã được đổi mới,  hiện đại hoábắt đầu áp dụng từ năm 2015

c. Học phí áp dụng theo chương trình đại trà.

d. Sự đổi mới trong lĩnh vực tài chính công đang được Nhà nước chú trọng, đòi hỏi nguồn nhân lực phải qua đào tạo chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của cơ quan nhà nước các cấp; các đơn vị hành chính – sự nghiệp và các tổ chức tài chính khác. Mặt khác, đây là chuyên ngành đào tạo duy nhất có tại Miền Trung – Tây Nguyên nên cơ hội nghề nghiệp và thăng tiến là rất cao.

e. Cơ hội việc làm

Với bằng cử nhân Tài chính – Ngân hàng và với việc thiết kế chương trình theo những định hướng nêu trên, sinh viên tốt nghiệp có thể đa dạng hóa nghề nghiệp trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng nói chung. Do đặc điểm chuyên ngành, ưu tiên trước hết là những cơ hội nghề nghiệp trong các cơ quan, tổ chức sau:

- Các cơ quan quản lý tài chính chuyên ngành: Thuế, Hải quan, Kho bạc nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Kiểm toán nhà nước;..

- Các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài chính, đầu tư công

- Các đơn vị hành chính Nhà nước

- Các đơn vị sự nghiệp công lập

- Các công ty tư vấn tài chính, thuế

- Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức tài chính phi lợi nhuận khác.

- Các doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp cũng sẽ có cơ hội việc làm tại các định chế tài chính như:  

Ngân hàng thương mại; Quỹ tín dụng nhân dân; Tổ chức tài chính vi mô; Công ty tài chính; Công ty cho thuê tài chính; Công ty đầu tư, Quỹ đầu tư, Công ty chứng khoán, Công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ,... và các vị trí việc làm liên quan đến lĩnh vực tài chính – kế toán trong các Doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu.