DHKT

Công bố quốc tế - Thành quả từ những mùa gieo trồng cần mẫn

14/06/2019
(Bài viết của PGS.TS. Lâm Chí Dũng, Trưởng Khoa Ngân hàng nhân sự kiện Chúc mừng các tác giả có công bố quốc tế năm học 2018-2019)


Năm học 2018 - 2019, Khoa Ngân hàng đón nhận nhiều tin vui về công bố quốc tế. Tổng kết năm học, có đến 6 bài báo được công bố trên các Tạp chí khoa học quốc tế uy tín: 5 bài trên các Tạp chí thuộc danh mục ISI và 1 trên Tạp chí thuộc danh mục Scopus.

Công bố quốc tế, đối với lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn khó hơn nhiều so với khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật, riêng đối với khoa học kinh tế độ khó còn nhân lên nhiều lần vì những nguyên nhân cơ bản sau:

- Sự chuyển đối cơ chế vận hành nền kinh tế từ quản lý theo kế hoạch tập trung sang vận hành trên căn bản thị trường kéo theo sự thay đổi về cách tiếp cận nghiên cứu khoa học kinh tế. Trong một nền kinh tế chỉ huy, mọi hoạt động kinh tế đều phải được xác định trước, mọi hành vi của các chủ thể đều phải được kiểm soát, phần lớn các mối quan hệ phải được xem xét như là những quan hệ nhân quả tất định (tất định chứ ko phải bất định) và kiểm soát được. Vì vậy, các nghiên cứu về khoa học kinh tế trước đây có những đặc điểm cơ bản đối lập với các đặc điểm của nghiên cứu kinh tế học hiện đại: 

- Tiếp cận logic phổ biến hơn thực chứng; 

- Quan hệ giữa các hiện tượng và sự kiện kinh tế được xem xét chủ yếu như là những liên hệ hàm số hơn là liên hệ tương quan. 

- Mục đích của các nghiên cứu đặt trọng tâm vào giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn vận hành nền kinh tế (cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô), và do đó, rất chú trọng đến việc nhận diện các vấn đề và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề đó. Trong khi đó, trái với ngộ nhận của khá nhiều người, nghiên cứu về khoa học kinh tế hiện nay chú trọng đến những đóng góp có tính học thuật, hàn lâm theo định hướng của khoa học cơ bản chứ không nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể nào đó và do đó khó đòi hỏi những ứng dụng trực tiếp! 

Điều này đương nhiên không phải chỉ có ưu điểm (mà đôi khi trái lại) nhưng đã là một trở ngại vô cùng lớn, tạo nên những lúng túng, bối rối, ngộ nhận... và nhiều nhiều những hệ lụy khác trong giới nghiên cứu kinh tế học và cả những người được đào tạo theo truyền thống. Cái giỏi, cái hay của ngày trước nay đã không còn được tiếp nối một cách liên tục mà trái lại, tạo nên một khoảng trống của buổi giao thời.

- Thứ hai, yếu tố quyết định sống còn đối với chất lượng của nghiên cứu khoa học kinh tế theo cách tiếp cận hiện nay là chất lượng và quy mô, phạm vi của dữ liệu. Thiếu dữ liệu, chất lượng/độ tin cậy dữ liệu thấp, phạm vi dữ liệu hẹp thì đừng nói đến công bố quốc tế. Chẳng hạn, một nghiên cứu chỉ sử dụng các dữ liệu của Việt Nam sẽ khó được các Tạp chí uy tín để mắt đến đừng nói là qua được các vòng phản biện. Khó khăn này thực ra là quá khó khăn, vì nó liên quan đến "money", đến khả năng tiếp cận dữ liệu...

Biết được điều đó rồi mới thấy dù khiêm tốn các tác giả có công bố quốc tế có thể và cần tự hào và tất cả chúng ta cũng có quyền như vậy.

Ba tác giả trẻ là những người đã được đào tạo tại chính Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Hai trong số đó là những tác giả chính của những bài báo ISI. 
Đặc biệt tôi muốn lưu ý về trường hợp của Phan Đình Anh. Phan Đình Anh là một GV trẻ nhưng cũng là một cựu sinh viên. Bản thân người viết bài này đã từng phát hiện được tố chất nghiên cứu của bạn này. Ngay từ thời sinh viên, bạn Anh đã chọn một đề tài nghiên cứu khá hóc búa về xác định mô hình tiếp quỹ của máy ATM (trên cơ sở khai thác thế mạnh về công cụ Toán của mình). Điều đáng nói nữa là qua PDA chúng tôi tìm thấy bóng dáng của thế hệ mình. Xuất thân từ một vùng quê mà tôi cảm nhận là nghèo, trong một hoàn cảnh tôi nghĩ là khó khăn nhiều, bạn Anh dù không phải cái gì cũng hoàn hảo nhưng đã duy trì được đam mê nghiên cứu. Và thành quả là chỉ sau một thời gian không dài ở Pháp đã cho công bố 2 bài báo được chấp nhận đăng trên Tạp chí thuộc top đầu của danh mục ISI và được xếp hạng A* (nhóm các tạp chí có thứ hạng cao nhất) của danh mục ABDC.

Và điều quan trọng nhất, cả hai bài báo PDA đều là tác giả chính và các đồng tác giả đều là người Việt.

Lần nữa, xin chúc mừng các tác giả: Phan Đình Anh; Nguyễn Thị Thiều Quang; Nguyễn Thành Đạt, và Hồ Hải Ly. Mong các bạn tiếp tục có những nghiên cứu mới được công bố.