DHKT

Khoa Marketing

Giới thiệu

Đào tạo

Khoa học

Hợp tác

Sinh viên

Tin tức - Sự kiệnThông báoLiên hệHội thảo khoa học

Tài nguyên

Toàn cầu hóa và câu chuyện thần kỳ của đất nước Singapore trong chuỗi chuyên đề của Giáo sư Gary Lit

16/04/2018

Trong 2 ngày 12 và 13/4, Giáo sư Gary Lit - Giảng viên đến từ Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore) đã chuỗi chuyên đề chia sẻ về toàn cầu hóa và sự phát triền thần kỳ của đất nước Singapore với giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Không chỉ cung cấp những kiến thức bổ ích về lịch sử, kinh tế - chính trị, các buổi chia sẻ của Giáo sư cũng thực sự truyền cảm hứng cùng khát vọng vươn lên cho tuổi trẻ Trường Đại học Kinh tế trong bối cảnh hội nhập của đất nước.


Toàn cầu hoá là gì? Tại sao nó lại quan trọng đối với đất nước và chính mỗi người chúng ta? Trong cuộc chiến toàn cầu hóa đó thì ai là người chiến thắng và ai là kẻ thua cuộc?... Những lý thuyết cơ bản về Toàn cầu hóa đã được GS Gary Lit cung cấp thông qua những minh chứng vô cùng cụ thể. Nhờ toàn cầu hóa mà chúng ta được biết đến và tiếp cận những công nghệ hàng đầu như IPhone, Facebook, Grab, hay những món ăn tinh thần đến từ Marvel, DC, Walt Disney, thậm chí là ẩm thực mang dấu ấn của văn hóa phương Tây như KFC, Starbucks, McDonald… Và cái cách mà Bill Gate, Mark Zuckerberg, Steve Jobs, Jack Ma thay đổi thói quen của mỗi chúng ta, thay đổi cả thế giới thông qua công nghệ, thông qua toàn cầu hóa, thật ấn tượng!

Chuyên đề "DeGlobalization: The Backlash or Blowback towards Globalization" vào chiều ngày 12/4 đã đề cập đến mặt trái của toàn cầu hóa. Những ví dụ đầy thực tế được truyền đạt qua phong cách dí dỏm, thân mật của Giáo sư Gary Lit, từ việc gia tăng số phương tiện giao thông và làm tắc nghẽn đường sá của TP. Hồ Chí Minh đến nạn đói nghèo, bệnh tật, khoảng cách giàu nghèo và xung đột ở nhiều quốc gia chậm phát triển, tất cả đều là nguồn gốc từ sự toàn cầu hóa.

 

Từ một quốc gia nhỏ bé không có tài nguyên đáng kể, Singapore lột xác ngoạn mục để trở thành một trong những “con rồng” Châu Á - một biểu tượng của sự phát triển kinh tế thần kỳ được cả thế giới ngưỡng mộ. Đằng sau sự thay đổi thần tốc ấy là cả một chiến lược được chuẩn bị kỳ công bởi những cái đầu nóng kết hợp với sự đồng lòng của người dân để triển khai các chính sách mở cửa, phát triển trung tâm tài chính, giao thương, chính sách xã hội hiệu quả… Câu chuyện về Singapore là nguồn cảm hứng cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Bài học ở đây cho thấy ngoài chính sách mở cửa, sự sáng suốt, quyết đoán của Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng khiến người dân đoàn kết và tin tưởng vào chính quyền Singapore. “50 năm trước các vị lãnh tụ của ASEAN đều rất vĩ đại, họ có nhiều cách khác nhau để phát triển đất nước của mình. Nhưng thủ tướng Lý Quang Diệu có nhiều suy nghĩ khác hơn, ông chọn việc mở cửa đón nguồn đầu tư và học hỏi từ nhiều nước khác”, Giáo sư Gary Lit kết luận.


PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế tặng hoa cho GS Gary Lit

Toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu của nhân loại. Vậy trong bối cảnh đó, người trẻ cần phải làm gì? Lời khuyên của Giáo sư là hãy “nghĩ khác những gì người khác nghĩ”, bắt kịp công nghệ và không ngừng sáng tạo để nảy sinh những ý tưởng mới. Chỉ có hội nhập và sáng tạo, mỗi người, mỗi dân tộc mới có thể bắt kịp xu thế của toàn cầu hóa, như những gì người dân và chính quyền Singapore đã làm!


GS Gary Lit rất ấn tượng trước sự tự tin và năng động của sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng

Thanh Vân (CTV) – Trung tâm CNTT & TT