DHKT

Khoa Marketing

Giới thiệu

Đào tạo

Khoa học

Hợp tác

Sinh viên

Tin tức - Sự kiệnThông báoLiên hệHội thảo khoa học

Tài nguyên

ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP

------------Marketing có phải là một ngành tiềm năng?----------

Marketing có thể nói là một ngành đem lại cơ hội việc làm rất lớn, các công việc đa dạng bắt đầu từ chuyên viên Marketing, nhân viên bán hàng…bạn có thể thăng tiến lên giám đốc truyền thông, giám đốc bán hàng…hay chức cao nhất là CMO, và những công việc sáng tạo như Copywriter, Art-director…, các công việc học thuật như Nghiên cứu thị trường, các công việc đầy sự năng động như Tổ chức sự kiện, PR… Các công việc khác liên quan như giảng viên, nhà nghiên cứu, MC, nghề tự do (freelance)…

Khi mức độ cạnh tranh tăng lên, việc kinh doanh ngày càng trở nên thách thức hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp hiểu rõ khách hàng của họ hơn, biết được khách hàng muốn gì, hành vi của họ như thế nào… và cuối cùng để tạo ra lòng trung thành, mối quan hệ bền vững với khách hàng từ đó đem lại giá trị tài chính cho công ty. Theo nguyên tắc quản trị thương hiệu hiện đại, tài sản thương hiệu được đánh giá và quyết định bởi khách hàng. Có nghĩa là các doanh nghiệp ngày càng hướng về khách hàng thay vì xu hướng chỉ tập trung vào trong doanh nghiệp như trước. Từ đó tầm quan trọng của Marketing tăng lên, cơ hội việc làm nhiều hơn.

Lấy ví dụ nhỏ, hai chiếc điện thoại cùng chất lượng, độ bền, kiểu dáng như nhau, một chiếc có thương hiệu “quả táo cắn dỡ”, một chiếc không có thương hiệu. Rõ ràng, chiếc điện thoại quả táo cắn dỡ kia có thể bán với giá hơn 10 triệu đồng, nhưng nếu chiếc điện thoại còn lại bán với giá đó, nguy cơ phá sản của doanh nghiệp gần như là 100%. Đó là sức mạnh của thương hiệu, và thương hiệu chỉ có giá trị cao nếu khách hàng đánh giá nó cao. Một minh chứng nhỏ cho sức mạnh của Marketing, cụ thể hơn là quản trị Thương hiệu.

Một phép thử nhỏ với Google, tìm kiếm với từ khóa “tuyển dụng nhân viên Marketing”, bạn sẽ nhận được hơn 500.000 kết quả. Thống kê từ Website tuyển dụng uy tín TimViecNhanh.com cho thấy, hiện nay mức lương trung bình cho vị trí nhân viên Marketing dao động từ 7-10 triệu đồng, trong khi đó các vị trí quản lý như: Marketing manager, cố vấn truyền thông, quản lý thương hiệu... thì lên tới 15-30 triệu đồng - những con số cực kỳ hấp dẫn so với mặt bằng chung của thị trường lao động. Marketing cũng được coi là 1 trong 3 ngành tiềm năng nhất hiện nay.

 

------------Cái nhìn tổng quan về thế giới nghề nghiệp Marketing----------

 

Để tìm hiểu về những ngành nghề trong lĩnh vực Marketing, chúng ta hãy tiếp cận từ khía cạnh các loại hình công ty trong lĩnh vực này. Biết được mình sẽ “làm việc ở đâu” quyết định bạn phải “học như thế nào và rèn luyện những kỹ năng nào”.

Thuật ngữ hay dùng trong lĩnh vực Marketing để chỉ các loại hình công ty là Client-Agency. Client là các công ty đảm nhiệm các công việc từ sản xuất, phân phối và truyền thông để tiêu thụ sản phẩm, ví dụ như Coca-cola, Pepsi, Unilever. Agency chính là các công ty cung cấp dịch vụ Marketing (chuyên môn theo từng P) cho các client (công ty quảng cáo, công ty truyền thông, công ty nghiên cứu thị trường…).

  • Client (công ty khách hàng): nếu bạn làm trong công ty này, bạn phải đảm nhận tất cả các công việc liên quan đến 4P với sự hỗ trợ từ các agency. Các công việc trong client như: lên kế hoạch quản trị thương hiệu dài hạn, ngắn hạn; lên nội dung truyền thông; quản lý phân phối bán hàng; làm việc với agency… Tuy nhiên không phải client nào cũng đảm nhiệm hết tất cả các chức năng Marketing, một số doanh nghiệp tập trung nhiều vào phân phối (các công ty hàng tiêu dùng, một số doanh nghiệp thiên về chăm sóc khách hàng (các công ty dịch vụ)…và các chức năng khác sẽ thuê agency để đảm nhiệm.

Các công ty nổi trội như Unilever, P&G, Coca-cola, Neslé…

Các công việc ở Client thường rất đa dạng, như: CMO, giám đốc bán hàng, giám đốc truyền thông, giám đốc thương hiệu, nhân viên bán hàng, chuyên viên Marketing…

  • Công ty quảng cáo (Advertising agency hay ad agency): là các công ty cung cấp dịch vụ sáng tạo, lên kế hoạch và thực hiện các quảng cáo cho Client. Loại hình này còn có thể đảm nhận về mảng thương hiệu cũng như các khía cạnh khác của truyền thông.

Các công ty nổi tiếng trong ngành như Ogilvy & Mather (Mỹ), JW Thomson (Mỹ), Saatchi & Saatchi (Anh), Dentsu (Nhật), Cowan (Úc) …

Các công việc ở Ad agency như: Art-director, Copywriter…

  • Công ty truyền thông (Media agency): công ty Truyền thông có nhiệm vụ đem những thông điệp Marketing đến đúng người tiêu dùng mục tiêu, xuất hiện đúng nơi và đúng thời điểm bằng các công cụ truyền thông. Bằng sự thấu hiểu hành vi của nhóm đối tượng mục tiêu (phương tiện truyền thông nào họ thường xem, đọc, nghe…), các công ty Truyền thông đem đến sự tư vấn truyền thông hữu hiệu cho các Công ty Quảng cáo.

Các công ty Truyền thông lớn ở Việt Nam: GroupM, Publicis, Dentsu Asia Network, Đất Việt Group.

Các công việc ở Media agency như: Media-planner, Media-buyer…

  • Các công ty Quảng cáo và công ty Truyền thông thường là “đôi bạn thân”. Các công ty Quảng cáo sáng tạo ra sản phẩm và các công ty Truyền thông sẽ là người đem sản phẩm đó đến với công chúng mục tiêu bằng cách hữu hiệu và hiệu quả nhất.
  • Công ty Nghiên cứu thị trường (Market research agency): Agency này hỗ trợ các Client xuyên suốt, đi từ việc khảo sát về nhu cầu của thị trường, đo lường sự phù hợp của chính sách giá, thói quen mua hàng và hiệu quả truyền thông. ► Các công ty Nghiên cứu Thị trường ở Việt Nam: Nielsen, FTA…

Các công việc ở Market Research agency như nhân viên nghiên cứu thị trường…