DHKT

SINH HOẠT NHÓM ĐỌC KHOA KINH DOANH QUỐC TẾ NGÀY 06/05

06/05/2022

Sáng nay, buổi sinh hoạt nhóm đọc của Khoa Kinh doanh quốc tế đã diễn ra trực tuyến trên nền tảng MS Teams với hai đề tài thú vị:

- Chủ đề 1: “Gender Differences in the Importance of Work and Family Roles: Implications for Work–Family Conflict" (tạm dịch: Sự khác biệt về giới trong tầm quan trọng của công việc và vai trò trong gia đình: Những hàm ý cho mối xung đột công việc-gia đình) do TS. Phạm Thị Bé Loan báo cáo.

- Chủ đề 2: “Corruption in international business: A review and research agenda” (tạm dịch: Tham nhũng trong kinh doanh quốc tế: Một đánh giá và nghiên cứu) do ThS. Đinh Trần Thanh Mỹ và ThS. Dương Hạnh Tiên báo cáo.

Nội dung buổi sinh hoạt nhóm đọc sáng nay được đính kèm cụ thể trong từng ảnh, các bạn hãy cùng bấm vào hình để xem nội dung của hai chủ đề trên nhé.

Mở đầu buổi sinh hoạt nhóm đọc, TS. Phạm Thị Bé Loan đã đưa ra nhận định rằng, trong thời buổi hiện đại, cả nam và nữ đều đi làm và đều chịu áp lực của đi làm và chăm sóc gia đình. Vì vậy, họ dễ gặp xung đột giữa trách nhiệm công việc và nghĩa vụ chăm sóc gia đình. Xung đột xuất hiện khi cá nhân dành nhiều thời gian và công sức vào công việc hoặc gia đình và thiếu thời gian dành cho khía cạnh còn lại. Vì vậy, bài báo nhằm khám phá sự khác biệt giới tính trong mối quan hệ giữa công việc và gia đình.

Nhóm tác giả khảo sát trên ba nhóm người (nhóm cho rằng gia đình quan trọng hơn, nhóm cho rằng công việc quan trọng hơn, và nhóm cân bằng giữa gia đình và công việc). Từ đó, nhóm tác giả đã đưa ra kết luận rằng nữ thường có xu hướng phù hợp với khía cạnh mang tính gia đình hơn và nam phù hợp với khía cạnh công việc hơn. Ngoài ra, nam phân bổ đồng đều ở các nhóm hơn nữ. Tuy nhiên, nữ thường có giá trị cam kết với công việc cao hơn nam và nghĩa vụ của nữ với gia đình cũng cao hơn.

Tiếp nối buổi sinh hoạt nhóm đọc, ThS. Đinh Trần Thanh Mỹ và ThS. Dương Hạnh Tiên đã trình bày bài báo về vấn đề tham nhũng trong kinh doanh quốc tế. Tuy đây không phải là chủ đề mới và đã được nghiên cứu kể từ cuộc toàn cầu hoá kinh doanh những năm 1980, cơ sở lý thuyết về tham nhũng trong KDQT vẫn còn rải rác ở nhiều lĩnh vực và hướng nghiên cứu khác nhau. Thông qua phương pháp systematic review (tổng hợp tài liệu có hệ thống), nhóm tác giả đã xem xét 137 bài báo trong giai đoạn 1992-2019 nhằm tìm ra những lĩnh vực tham nhũng chính trong KDQT đồng thời đề xuất những hướng nghiên cứu tiềm năng trong tương lai.

Bài báo đã rút ra những kết luận quan trọng về luật chống tham nhũng trong KDQT, các yếu tố quyết định tham nhũng trong KDQT, cách thức chống lại tham nhũng trong KDQT, ảnh hưởng của tham nhũng đối với các doanh nghiệp KDQT, môi trường chính trị và tham nhũng trong KDQT, tham nhũng như một thách thức đối với các lý thuyết hiện có về quản lý trong KDQT và cuối cùng là ảnh hưởng của tham nhũng đối với FDI và thương mại trong KDQT.