DHKT

[TRÀ CHIỀU CÙNG CỰU SINH VIÊN KHOA KDQT] CHIA SẺ TỪ CHỊ VÕ THỊ NGỌC DIỆP 21K

17/02/2022

Trải qua bề dày gần 30 năm thành lập và phát triển, Khoa KDQT vô cùng tự hào về truyền thống và những đóng góp của mình cho sự phát triển chung của Trường ĐHKT - ĐHĐN về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và sự phát triển cộng đồng. Chuyên mục “Trà chiều cùng cựu SV Khoa KDQT” được thiết kế như một buổi gặp gỡ giữa những cựu sinh viên tiêu biểu ôn lại kỉ niệm một thời dưới mái nhà IB và sẻ chia những chặng đường họ đã đi qua cùng lời gửi gắm đến thế hệ tiếp nối.

Mở đầu chuyên mục, mời các bạn hãy nhâm nhi tách trà thưởng thức câu chuyện đến từ chị Ngọc Diệp - cựu SV KDQT khoá 21K - Tham tán thương mại tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan.

🥨 Chị Diệp có thể chia sẻ đôi nét về công việc hiện tại của mình không?

Hiện tôi là Tham tán thương mại, công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan. Công việc tôi phụ trách là mảng thương mại – đầu tư, cụ thể là thúc đẩy thương mại đầu tư Việt Nam – Hà Lan thông qua các nhiệm vụ chính như: Xúc tiến xuất nhập khẩu, trong đó ưu tiên xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hà Lan; Xúc tiến đầu tư hai chiều giữa hai nước, trong đó ưu tiên thúc đẩy đầu tư của Hà Lan vào Việt Nam. 

🥨 Những kiến thức đã được học ở ngành Ngoại thương/ngành KDQT đã giúp gì cho chị trong công việc của mình?

Quả thực, những kiến thức về kinh doanh, marketing, vận tải và thanh toán quốc tế được học từ bậc Đại học đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc chuyên môn của mình. Tôi còn nhớ, một trong những yêu cầu bắt buộc trong thi tuyển công chức vào Bộ Thương mại năm 2000 là tốt nghiệp đại học, khoa ngoại thương/KDQT loại Khá, Giỏi. Tiêu chí đó là yêu cầu đầu tiên của nghề mà tôi theo đuổi đến tận bây giờ. Nếu không có kiến thức về ngành ngoại thương, chắc chắn tôi sẽ gặp khó khăn trong công việc, sẽ phải học, tu bổ kiến thức để phục vụ công việc vì thường xuyên phải hiểu, cập nhật văn bản pháp lý, quy định, hướng dẫn liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. 

🥨 Khi mới ra trường thì đâu là những khó khăn, trở ngại mà chị phải đối mặt? Chị có thể chia sẻ điều gì đã giúp mình có được sự thành công như ngày hôm nay?

Ai ra trường đi lập nghiệp nơi khác đều có nhiều khó khăn, trở ngại và tôi không phải là một ngoại lệ. Ra trường, tôi vào Sài Gòn xin việc, đấy là tôi muốn trải nghiệm chân trời mới chứ không phải ở Đà Nẵng tôi không xin được việc, vì trước đó tôi đã từ chối làm việc tại Vietcombank Đà Nẵng khi Ban lãnh đạo không cho phép tôi vừa làm việc vừa học nốt Khóa Tài chính kế toán. Tôi nộp đơn vào những nơi nào không yêu cầu “hộ khẩu thành phố” mà chỉ có yêu cầu chung là tốt nghiệp ngành liên quan đến kinh tế. Đối với những người ở tỉnh/thành khác như chúng tôi, đấy là trở ngại đầu tiên, nó hạn chế cơ hội tìm việc phù hợp với chuyên ngành đã học. Cuối cùng tôi cũng vượt qua kỳ thi tuyển công chức (lần đầu tiên ở phía Nam) vào Bộ Thương mại. Tôi trải qua 1 năm tập sự công chức với mức lương chỉ vỏn vẹn 85% của 725.000 đồng. Với số tiền đó tôi cố gắng để trang trải chi phí cuộc sống ở thành phố đắt đỏ nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Làm được 1 năm ở Bộ, tôi bắt đầu nản vì lương quá thấp, không biết đến lúc nào mới tiết kiệm, dành dụm được, tôi đã dao động và nộp đơn xin việc ở các công ty nước ngoài. Cũng đi phỏng vấn xin việc, thỏa thuận lương với mức gấp 3-4 lần so với mức lương hiện tại nhưng cuối cùng, tôi vẫn quyết định ở lại. Tôi không dám nói mình thành công vì các bạn học của tôi cũng trải qua những khó khăn, vất vả như tôi khi lập nghiệp tại Sài Gòn và họ còn thành công hơn rất nhiều. Tôi chỉ dám nói, đến bây giờ tôi may mắn theo đuổi con đường mình lựa chọn, vẫn rất yêu thích công việc mình làm, vẫn tràn đầy nhiệt huyết với nghề. 

Đôi khi những khó khăn của những ngày đầu khi mới ra trường là hành trang, là kinh nghiệm cuộc sống mà rất nhiều người phải trải qua trên chính con đường mình đã lựa chọn, vấn đề là mình xác định mục tiêu rõ ràng và phải quyết tâm thực hiện mục tiêu đó thì sẽ đạt được kết quả mong đợi. 

🥨 Chị nhận định như thế nào về cơ hội việc làm dành cho sinh viên của ngành KDQT ở thời điểm hiện tại?

Sinh viên Ngoại thương đa số rất hoạt ngôn, tự tin trong giao tiếp, khả năng ngoại ngữ tốt, và hơn hết là ngoại ngữ chuyên ngành càng là điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng. Tôi tin rằng sinh viên ngành KDQT có nhiều cơ hội việc làm hiện tại và sau này. Việt Nam đang tham gia sâu vào quá trình hội nhập quốc tế, ký kết và thực thi rất nhiều Hiệp định thương mại tự do. Chưa kể, trong tương lai Việt Nam vươn lên làm chủ công nghệ, phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sinh viên ngành KDQT không chỉ có cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ngân hàng, tài chính, logistics, thương mại điện tử…mà còn cả tại các cơ quan quản lý nhà nước đối với các ngành có liên quan từ trung ương đến địa phương. 

🥨 Chị có lời khuyên hay lời gửi gắm gì đến thầy cô và cả các bạn sinh viên Khoa kinh doanh quốc tế không? 

Một số tips nho nhỏ tôi muốn gửi đến các bạn sinh viên khoa KDQT đó là các bạn hãy:

- Năng động, sáng tạo, luôn tự tin và đừng quên trau dồi kỹ năng giao tiếp. 

- Học ra học, chơi ra chơi

- Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội.

Cuối cùng, tôi kính chúc quý thầy cô sức khỏe, luôn giữ được “lửa nghề”, thích ứng và nâng tầm kiến thức để phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước với thế giới để đồng hành và hỗ trợ các bạn sinh viên trong học tập cũng như cuộc sống.

Hy vọng những chia sẻ vừa rồi từ chị Ngọc Diệp đã giải tỏa ít nhiều thắc mắc của bạn. Một lần nữa, khoa Kinh doanh quốc tế xin cảm ơn những chia sẻ bổ ích của chị, chúc chị sức khoẻ và mãi luôn thành công trên con đường mà mình đã chọn.