DHKT

SINH HOẠT NHÓM ĐỌC KHOA KINH DOANH QUỐC TẾ NGÀY 30/11

30/11/2021

Sáng nay, buổi sinh hoạt nhóm đọc định kỳ của khoa KDQT đã diễn ra trực tuyến với hai đề tài thú vị:

Chủ đề “The effect of the Covid-19 pandemic risk perception on students' behavioural intention towards returning home for studying” (tạm dịch: Tác động của nhận thức rủi ro về đại dịch Covid-19 đến ý định trở về quê hương học tập của du học sinh) do TS. Phùng Nam Phương báo cáo.

Tại nhóm đọc, TS. Phùng Nam Phương đã thảo luận hai vấn đề chính: (1) Mối quan hệ giữa nhận thức rủi ro và ý định hành vi của du học sinh trong bối cảnh đại dịch và (2) Mối quan hệ giữa nhận thức rủi ro và các thành tố của ý định hành vi gồm thái độ, chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi. Trong phần kết luận, TS. Phùng Nam Phương đã chỉ ra nhận thức rủi ro là những tiền đề quan trọng tác động đến thái độ của du học sinh với việc trở về quê nhà để học tập. Hơn nữa, nhận thức rủi ro cũng có tác động tích cực đến với thái độ, chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi của du học sinh cùng các kết luận khác có liên quan. Từ đó, TS. Phùng Nam Phương đã đề xuất các kiến nghị cho các trường Đại học tại Việt Nam, đặc biệt là các cơ sở giáo dục cung cấp chương trình giáo dục xuyên quốc gia. 

Chủ đề “Hofstede's cultural values framework: A review of empirical researches in management field” (tạm dịch: Khung giá trị văn hóa của Hofstede: Đánh giá các nghiên cứu thực nghiệm trong lĩnh vực quản lý) do ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo và ThS. Trương Mai Anh Thư báo cáo.

Tiếp nối buổi sinh hoạt, ThS. Trương Mai Anh Thư và ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo đã giới thiệu bài báo tổng hợp các nghiên cứu thực nghiệm trong lĩnh vực quản lý dựa trên các giá trị văn hoá của Hofstede. Cụ thể, bài báo đã xem xét văn hóa như một tác động chính (các nghiên cứu Loại I) ở cấp độ phân tích cá nhân, sau đó ở cấp độ nhóm/tổ chức và cuối cùng là cấp độ quốc gia. Dựa trên bài báo, ThS. Trương Mai Anh Thư và ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo đã rút ra được những kết luận sau: Ở cấp độ cá nhân, giá trị văn hoá của các cá nhân có mối quan hệ với các kết quả khác nhau trong lĩnh vực quản trị, có thể kể đến quản trị sự thay đổi, quản trị xung đột, hay hành vi đàm phán. Ở cấp độ nhóm/tổ chức, những nghiên cứu tuy được cập nhật nhưng vẫn còn khá ít. Ở cấp độ quốc gia, các tác giả đã báo cáo về mối quan hệ giữa văn hoá với các yếu tố như chiến lược đổi mới, hay với việc hình thành liên minh và phương thức thâm nhập thị trường.