DHKT

HÀNH TRÌNH NƯỚC ĐỨC CỦA LƯƠNG NGUYÊN HOÀNG ANH - KỲ 1: CHÂU ÂU, NƯỚC ĐỨC VÀ NHỮNG BÀI HỌC TRÊN HÀNH TRÌNH DỊCH CHUYỂN VÀ TRAO ĐỔI VĂN HÓA

01/03/2019

Lương Nguyên Hoàng Anh, sinh viên lớp 43K01.2, là một trong những sinh viên tiêu biểu của khoa. Cô bạn không chỉ có thành tích học tập nổi bật mà còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa trong và ngoài trường khác. Chính vì vậy mà vào năm thứ 2 đại học, Hoàng Anh đã nhận được một suất học bổng đi trao đổi tại Trường Đại học Khoa học&Ứng dụng Westphalian tại Đức. Sau khi kết thúc khóa học, Hoàng Anh đã chia sẻ một bài tùy bút về cuộc sống và học tập của mình tại nước Đức. Sau đây, chúng ta cùng đón xem nhé. 

"Mình tên là Lương Nguyên Hoàng Anh, học lớp 43K01.2, sinh viên năm cuối của khoa Kinh Doanh Quốc Tế. Mình đồng thời là cựu sinh viên trao đổi theo chương trình học bổng Erasmus+ của Liên minh châu Âu thuộc khuôn khổ hợp tác giữa trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và Trường ĐH Khoa học ứng dụng Westphalian (CHLB Đức) vào học kỳ mùa đông năm học 2018 – 2019. Bài viết này là đôi lời chia sẻ của mình như là một trong những sinh viên khoa Kinh Doanh Quốc tế nói riêng và Đại học Kinh tế nói chung vinh dự nhận được học bổng theo học tại châu Âu trong một học kỳ – cơ hội quý giá không chỉ củng cố cho mình nền tảng học thuật và cho mình những kỉ niệm tuổi trẻ rực rỡ, mà còn giúp mình khám phá được những tiềm năng bên trong bản thân và hiểu rõ hơn về con đường tương lai mình muốn theo đuổi. 

Hành trình bước đến châu Âu của mình khá đặc biệt khi quyết định nộp hồ sơ xin học bổng trao đổi ở học kì hai năm nhất đại học. Hành trình chuẩn bị hồ sơ là một quá trình đòi hỏi nhiều sự nhẫn nại, lòng tin, quyết tâm và thấu hiểu khát vọng của chính bản thân mình; và trong những khoảnh khắc mình dao động nhất giữa việc bước tiếp hay từ bỏ khi cân nhắc đến sự thích hợp của thời điểm, mình vô cùng biết ơn khi có sự đồng hành và cổ vũ của các thầy cô, đặc biệt là cô Thủy trưởng khoa và cô Mỹ cố vấn học tập của mình. Hai cô đã luôn dành cho mình sự ủng hộ vô điều kiện, từ lá thư giới thiệu đến việc điều chỉnh nhiều giấy tờ trong hồ sơ, nhờ đó mình học hỏi được nhiều điều ngay từ trong quá trình chuẩn bị và ngày càng vững tâm hơn trong suốt quá trình xin học bổng. Cuối cùng thì cơ hội quý giá đã mỉm cười với mình, và hành trình đến châu Âu ở tuổi 19 của mình bắt đầu như thế."


Cô bạn Lương Nguyên Hoàng Anh (phải) cùng với bạn Trang Bảo Ngọc (cũng là sinh viên khoa KDQT) trong chuyến trao đổi

Châu Âu, nước Đức và những bài học sâu sắc trên hành trình dịch chuyển và trao đổi văn hóa

"Mình đặt chân xuống thủ phủ Düsseldorf của bang Bắc Rhine-Westphalia, bang kinh tế và công nghiệp quan trọng nhất miền Tây nước Đức trước khi di chuyển về thành phố Gelsenkirchen – nơi mình gọi là “nhà” ở châu Âu một ngày mùa thu tháng 09/2018. Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, đây là lần đầu tiên mình đi đến một nơi xa gia đình đến 1/3 vòng Trái Đất. Cảm giác phấn khích “Europe is really under my feet” dường như đã át hết những lo âu, bồn chồn khi lần đầu tiên đặt chân đến một vùng đất hoàn toàn mới với hệ thống những giá trị và niềm tin rất khác biệt. Hành trình chờ đợi mình phía trước chính là một nước Đức thân thiện, văn minh, thẳng thắn, hào phóng; một châu Âu thống nhất trong đa dạng; những bài học sâu sắc về đức tính kỷ luật và tôn trọng sự khác biệt. 

Một trong những điều mình ấn tượng nhất trước khi bắt đầu học kỳ chính thức vào tháng 10.2018 là 5 tuần được học và tự học về cách sinh tồn trong một nền văn hóa đa dạng như châu Âu và cách mà xã hội Đức vận hành theo những quy tắc riêng biệt. Mình được học tiếng Đức cơ bản, văn hóa Đức và thể chế liên minh châu Âu tại trường tiếp nhận cùng với các bạn học đến từ nhiều nơi trên thế giới. Nhờ có thời gian chuyển tiếp này, mình sớm học được cách khắc phục những sai lầm trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt văn hóa, học cách chủ động yêu cầu sự giúp đỡ và học cách giúp đỡ người khác. Vì vậy, mình may mắn không phải trải qua những cú sốc văn hóa nặng nề mà thay vào đó mình học được cách đón nhận mọi thứ bất ngờ một cách nhẹ nhàng hơn."


Hoàng Anh chụp hình tại Đấu trường Colosseum, Roma, Ý 

"Một điều đặc biệt là so với các học khác, mình không có cơ hội ở trong ký túc xá và trải nghiệm cuộc sống của sinh viên quốc tế cùng nhau mà lại được phân ở một căn hộ rất xa trường đại học. Mình sống hòa lẫn vào cuộc sống thường ngày cùng với người dân, sự chăm chỉ và hiệu suất làm việc của người Đức đã khắc sâu trong ấn tượng của mình từ những ngày đầu tiên. Nhờ đó, mình có cơ hội chứng kiến rất nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống xã hội Đức thay vì thu mình trong thế giới chỉ có các bạn sinh viên quốc tế. Nhưng khởi động khác biệt như vậy đã khiến mình gặp vô số sự cố trong 5 tuần đầu tiên, đa số đến từ việc không biết tiếng Đức và những khác biệt về lối sống. Một trong những khó khăn tiêu biểu là sự bất đồng về ngôn ngữ khiến mình không hiểu được những thông báo thay đổi từ hệ thống giao thông công cộng mà từng bỏ lỡ chuyến, bắt nhầm tàu khiến mình đến trường trễ. Người Đức đề cao sự kỷ luật và đúng giờ, và ngay cả khi rất cảm thông với quá trình chuyển đổi không hề dễ dàng của sinh viên mới đến, bài học đầu tiên mà giáo sư dạy mình vẫn là “Nếu em biết tàu có thể đến trễ, lẽ ra em phải rời khỏi nhà sớm hơn, khi đó em sẽ có những lựa chọn khác để đến đúng giờ”. Đó là bài học nghiêm khắc mà sâu sắc nhất mình được học về quản lý rủi ro và thời gian, đặc biệt là lời nhắc nhở môi trường tập thể không phải là nơi lắng nghe những vấn đề cá nhân của mình. Hơn cả những tri thức khoa học mà mình được truyền thụ từ các giáo sư, điều làm thay đổi bản thân mình rõ rệt chính là những bài học rất nghiêm khắc về nếp sống kỷ luật theo đúng “tinh thần Đức”."


Hoàng Anh cùng các bạn sinh viên quốc tế

"Điều quan trọng nữa, là một sinh viên Erasmus+, chúng mình luôn được khuyến khích “dịch chuyển liên tục” để trao đổi học thuật và văn hóa, đi để học hỏi từ những sai lầm và trưởng thành (với cá nhân mình, dịch chuyển không đơn thuần là để đi du lịch). Lần đầu tiên rời khỏi thành phố nhà mình sau hai tuần đến Đức, mình đã từng lóng ngóng rồi bị lạc giữa ranh giới Essen và Gelsenkirchen trong đêm và thực sự tự rút ra được thế nào là cách “sinh tồn” ở châu Âu rộng lớn. Bước đi đầu tiên bao giờ cũng đòi hỏi rất nhiều sự can đảm, càng đi nhiều mình càng mắc nhiều sai lầm, càng sai lầm mình càng học được nhiều cách giải quyết vấn đề, và trên hành trình đó, mình không đếm được mình đã có bao nhiêu lần trải nghiệm cảm giác “trưởng thành chỉ trong một đêm”. Đầu tiên là rời khỏi nhà, sau đó là rời khỏi thành phố của mình, sau đó là đi khắp tiểu bang rồi đi khắp nước Đức, cuối cùng là đi khắp châu Âu. Nếu không bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, mình sẽ không bao giờ biết mình có thể đi được bao xa, đến được bao nhiêu nơi, gặp được bao nhiêu người, trải qua bao nhiêu chuyện và trưởng thành nhanh đến thế nào. Hơn 40 thành phố và 13 quốc gia mà mình đã ghé thăm trong suốt nửa năm ở châu Âu đều để lại cho mình những bài học trân quý khác nhau về cuộc sống. Có lẽ mình sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc hoảng sợ khi mắc kẹt ở Brussels trong một đêm rét buốt giới nghiêm an ninh, những ngày rong ruổi ở một Paris ngấm ngầm những mầm mống giận dữ và chỉ kịp về đến Đức an toàn một ngày trước cuộc biểu tình “Áo khoác vàng”. Có lẽ mình sẽ không quên được lần ghé thăm thủ đô Roma đi đâu cũng có cảnh báo cẩn thận móc túi hay thậm chí từng bị tấn công vòi tiền trên đường phố Vienna. Đi trao đổi đã cho mình cơ hội nhìn thấy một châu Âu rất khác so với trong sách vở cùng bài học quý giá “Quốc gia nào cũng có những vấn đề của riêng nó” – bài học đã tích lũy thêm vốn sống và mở rộng tầm nhìn của mình."

Những chia sẻ thú vị và đầy chân thật trên đây của Hoàng Anh đã giúp chúng ta hiểu thêm về văn hóa và cuộc sống ở Đức đúng không nào? Kỳ tới, chúng ta hãy cùng Hoàng Anh tìm hiểu trải nghiệm học tập ở CHLB Đức như thế nào nhé.