DHKT

TÂY BAN NHA - KỶ NIỆM KHÓ QUÊN CỦA CÔ SINH VIÊN NGUYỄN THỊ THẠCH AN

01/09/2019

Khoa Kinh doanh quốc tế rất vinh dự khi những kì học vừa qua, khoa luôn có những bạn sinh viên xuất sắc liên tiếp nhận được các học bổng đi trao đổi ở nước ngoài. Kì này, chúng ta hãy cùng nghe câu chuyện của bạn Nguyễn Thị Thạch An, sinh viên lớp 43K01.1, về hành trình trao đổi ở Tây Ban Nha nhé.

Thạch An chia sẻ: "Có thể nói lần đầu tiên đặt chân đến Tây Ban Nha đối với em là những ký ức không thể nào quên. Dù có thoáng chút mệt sau chuyến bay dài hơn hai mươi tiếng đằng đẵng, nhưng điều đó không thể ngăn niềm phấn khích vỡ òa khi chạm đến làn gió se lạnh và ánh nắng chan hòa nơi đây- điều mà khó có thể thấy vào độ tháng 2 ở Châu Âu. Không chỉ khí hậu ôn hòa, con người nơi đây còn rất thân thiện, hiếu khách, một thành phố văn minh, an toàn, giàu giá trị văn hóa lịch sử."

Tại Tây Ban Nha, Thạch An đi học trao đổi ở Trường Đại học UCAM, thành phố Murcia. Đây là một trong những trường đại học hàng đầu của Tây Ban Nha chuyên đào tạo các ngành kinh tế với phương pháp học tân tiến, đặt sinh viên làm trọng tâm. Chương trình học đối với khối ngành kinh tế ở Tây Ban Nha, nếu xét về nội dung, theo chia sẻ của An, dường như không có quá nhiều điểm khác biệt đối với chương trình học tại Việt Nam. Trong thời gian trao đổi tại trường UCAM, An và các bạn đã không chỉ tham gia các lớp về chuyên ngành mà còn các lớp về tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp và lớp về văn hóa. Điều này giúp An khắc họa một bức chân dung tổng quan nơi đây: phương pháp tiếp cận thiên về áp dụng thực tế với nhiều project làm việc nhóm khác nhau trải dài trong cả kỳ học, sinh viên được khuyến khích tự học và nghiên cứu, tham gia các hoạt động tình nguyện tại địa phương, học các kỹ năng mềm cần thiết,… Ví dụ như nhà trường liên hệ bệnh viện địa phương để đưa các tình huống giả lập bất ngờ nhằm dạy kỹ năng sơ cấp cứu ngay tại sân trường. Hay ngay đầu kỳ học, trung tâm sinh viên sẽ thông báo lịch các hoạt động của từng tháng như đi bộ việt dã, chèo thuyền, vv… giúp sinh viên luôn rèn luyện sức khỏe tối đa. Không chỉ vậy, các giảng viên nơi đây còn hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là sinh viên quốc tế vô cùng nhiệt tình, chẳng hạn như trong lớp luôn sử dụng song song hai ngôn ngữ là tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, giải đáp các thắc mắc không chỉ trong các vấn đề học tập mà cả đời sống giúp sinh viên quốc tế dễ dàng hòa nhập vào văn hóa địa phương.


Toàn bộ khuôn viên trường đại học UCAM, Murcia, Tây Ban Nha, nơi Thạch An đi trao đổi


Thạch An và các bạn sinh viên quốc tế tại Vienna, Áo 

Chuyến đi đã mang đến cho Thạch An nhiều hơn những gì An đã kỳ vọng, từ môi trường học tập đậm chất quốc tế, những người bạn mới, những trải nghiệm đa văn hóa đáng nhớ ở gần 12 quốc gia châu Âu. Không chỉ vậy, hành trình những bước chân rong ruổi khắp khung trời Âu, đặc biệt là cơ hội được tham gia chương trình Hội nghị sinh viên quốc tế ở Trondheim, Na Uy đã giúp An tự tin hơn rất nhiều, mạnh dạn giao lưu văn hóa, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

 Thạch An cùng các bạn ở Hội nghị Sinh viên quốc tế tại Trondheim, Na Uy

Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải khi đi học ở nước ngoài, An chia sẻ rằng: "Có lẽ khó khăn lớn nhất không chỉ đối với em mà các bạn khác khi đi học ở nước ngoài chính là rào cản ngôn ngữ. Tại quốc gia em tham gia trao đổi, phần đa mọi điều từ sinh hoạt hằng ngày đến trường lớp đều xoay quanh ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Tây Ban Nha. Thời gian đầu, không thể phủ nhận rằng đây là thách thức lớn với một sinh viên nói tiếng Anh và chưa từng học qua lớp tiếng Tây Ban Nha nào, nhưng đây cũng lại chính là cơ duyên mang niềm yêu thích ngôn ngữ Nam Âu này đến với em, để khi về nước, em vẫn tiếp tục trau dồi cũng như nhen nhóm hi vọng có cơ hội được trở lại vùng đất này."

Thạch An chụp hình tại sân vận động Camp Nou, Tây Ban Nha

Kết thúc chương trình trao đổi, An càng cảm thấy yêu mến vùng đất Nam Âu này. Cô bạn hi vọng sẽ khơi gợi được cảm hứng đến các bạn sinh viên khóa sau để các bạn cũng có những trải nghiệm đáng nhớ khi tham gia trao đổi tại nơi đây. An cũng mong là sau khi hoàn thành chương trình đại học, bản thân mình sẽ có cơ hội được quay lại châu Âu để trao dồi bản thân ở chương trình Thạc Sĩ và sẽ là cầu nối gắn kết giữa hai khoa, hai trường nói riêng, cũng như các trường quốc tế với Đại học Đà Nẵng nói chung.