DHKT

Chung tay đào tạo nguồn nhân lực Kế toán - Kiểm toán chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của khu vực và quốc tế

29/06/2017

“Xây dựng đề án cải tiến phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán, đáp ứng các chuẩn mực, yêu cầu của khu vực ASEAN và quốc tế là trách nhiệm của 3 nhà: Nhà hoạch định chính sách, nhà tuyển dụng và nhà trường. Đây là cơ hội gặp gỡ, kết nối và lắng nghe những khó khăn, ý kiến của 3 nhà nhằm hợp tác thực hiện lộ trình cải cách kế toán ở Việt Nam từ nay đến năm 2025”, đó là phát biểu của ông Trịnh Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính tại Hội thảo “Đổi mới phương pháp đào tạo, cập nhật quá trình giảng dạy môn Kế toán phù hợp với yêu cầu cải cách kế toán trong giai đoạn mới”. Hội thảo do Bộ Tài chính, Vụ Chế độ Kế toán & Kiểm toán cùng với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và các Hiệp hội nghề nghiệp ICAEW, ACCA và CPA Australia phối hợp tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế vào ngày 29/6/2017. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo Vụ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính; Giám đốc Tài chính cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – ông John Nyaga; đại diện các Viện, Hiệp hội Kế toán & Kiểm toán và Công chứng của Việt Nam và thế giới; đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn miền Trung; đại diện khoa Kế toán của các trường đại học – cao đẳng ở miền Trung; về phía Trường Đại học Kinh tế, có sự tham dự có PGS.TS. Trần Đình Khôi Nguyên – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Đoàn Ngọc Phi Anh - Trưởng khoa Kế toán và đông đảo các thầy cô giáo của khoa.


Toàn cảnh hội thảo

Thách thức khi đổi mới hệ thống chuẩn kế toán Việt Nam theo hướng hội tụ với Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)

Trong phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Đình Khôi Nguyên cho biết một trong những thách thức lớn nhất của các cơ sở giáo dục đào tạo khi Việt Nam xây dựng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) là thay đổi phương pháp dạy và học như thế nào cho phù hợp hệ thống kế toán dựa vào IFRS. Bên cạnh đó, các giảng viên cần phải thay đổi cách tiếp cận biên soạn giáo trình các môn kế toán tài chính làm sao nhấn mạnh đến phân tích, đánh giá thay vì lặp lại các quy tắc và hệ thống đào tạo cần phải có kế hoạch đổi mới quy trình phù hợp với đổi mới phương pháp dạy và học. Trong bối cảnh đó, PGS.TS. Trần Đình Khôi Nguyên nhấn mạnh hội thảo sẽ là diễn đàn học thuật cho các nhà khoa học kế toán, giúp cho các trường có hướng đi đúng đắn trong việc đổi mới phương pháp giáo dục, đáp ứng với yêu cầu hiện nay.


PGS.TS. Trần Đình Khôi Nguyên phát biểu khai mạc hội thảo

Về khía cạnh chất lượng đào tạo, ông Trịnh Đức Vinh đánh giá rằng ở Việt Nam có rất nhiều cơ sở đào tạo kế toán nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. Trong khi đó, phần lớn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học chưa được trang bị những kiến thức cơ bản về IFRS do hầu hết các trường đại học chưa giảng dạy cả về mặt nội dung cũng như phương pháp nghiên cứu IFRS. Hiện tại chỉ có một số trường đại học có liên kết với nước ngoài hoặc các Hiệp hội nghề nghiệp quốc tế như ACCA, ICAEW, CPA Australia… có chương trình đào tạo về IFRS nhưng số lượng học viên chưa nhiều. Để có thể đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được chuẩn mực IFRS thì cần có lộ trình rõ ràng và chi tiết để các cơ sở đào tạo có thể áp dụng. Một thách thức nữa được nêu ra là rào cản ngôn ngữ đối với giảng viên và sinh viên khi tiếp cận các tài liệu liên quan đến IFRS. “Người có đủ trình độ ngoại ngữ lại chưa chắc có đủ trình độ chuyên môn và ngược lại”, ông Vinh cho biết.


Ông Trịnh Đức Vinh trình bày lộ trình cải cách kế toán và yêu cầu về nguồn nhân lực

Các trường đại học, cao đẳng cần đổi mới phương pháp giáo dục kế toán như thế nào?

Trong bối cảnh hiện tại, ông John Nyaga - Giám đốc Tài chính cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đề xuất 3 ý tưởng:

Xây dựng các chương trình trao đổi trực tiếp giữa sinh viên và giảng viên, giữa sinh viên và doanh nghiệp nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong đào tạo và bồi dưỡng.

Tạo nhiều cơ hội hơn nữa thực tập, cọ xát thực tế cho sinh viên tại các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để sinh viên tiếp cận với các chuẩn mực kế toán quốc tế.

Xây dựng định hướng của các trường đại học tại Việt Nam trong tương lai, trong đó tập trung vào đổi mới phương pháp giáo dục gắn liền với chuẩn mực IFRS

Ông John cũng đề cập đến vai trò của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam như là cầu nối giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng trong nước. Bên cạnh đó, Ngân hàng thế giới sẽ tư vấn cho Chính phủ Việt Nam nhằm tạo ra các hành lang pháp lý, hỗ trợ cho việc triển khai và áp dụng IFRS.


Ông John Nyaga đề xuất 3 ý tưởng cải cách phương pháp giáo dục

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Phan Xuân Vạn - Tổng giám đốc công ty Kiểm toán AAC khẳng định rằng doanh nghiệp sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc cọ xát thực tế của sinh viên khi đang ngồi ghế nhà trường. Bởi, sinh viên được đào tạo bài bản, vừa nắm vững lý thuyết, vừa thực hành giỏi thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo lại sau khi tuyển dụng. Còn ông Chung Thành Tiến – Giám đốc công ty dịch vụ kế toán Đồng Hưng đề xuất giải pháp xây dựng khung đào tạo mới tại các trường đại học, cao đẳng, tiến tới đào tạo kế toán như đào tạo nghề - gắn liền với thực tiễn. 


Ông Phan Xuân Vạn - Tổng giám đốc công ty Kiểm toán AAC: "Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc cọ xát thực tế của sinh viên khi đang ngồi ghế nhà trường"

Phát biểu tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Công Phương – Phó Trưởng khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho rằng Khoa kế toán, bộ môn kế toán tài chính của các trường cần soạn thảo ra nhiều tài liệu giảng dạy của mình như các giáo trình, slides thuyết trình, nghiên cứu trường hợp, bài tập, các bài trắc nghiệm theo chuẩn mực IFRS. Biên soạn giáo trình kế toán tài chính cũng cần có sự thay đổi về cách tiếp cận. Thay vì trình bày lại những gì được nêu trong chế độ kế toán (nhất là liệt kê định khoản) hay chuẩn mực, cần tập trung trình bày và phân tích khái niệm, nguyên tắc kế toán. Đại diện Trường Đại học Tài chính - Kế toán (Bộ Tài chính) thì nhấn mạnh đến cái “tâm” của người dạy. Người dạy làm sao phải vừa có kiến thúc chuyên môn lẫn thực tiễn, vừa biết cách truyền tải kiến thức đó cho sinh viên, đồng thời phải xây dựng các bài tập tình huống để sinh viên không bị bỡ ngỡ khi ra tiếp cận với thực tế.

Sinh viên ngành Kế toán và Kiểm toán cần có những kĩ năng gì?

Để có thể trở thành những kế toán viên, kiểm toán viên xuất sắc, đáp ứng với yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội hiện nay, ông Trịnh Đức Vinh cho biết sinh viên cần nắm vững kiến thức về nguyên lý kế toán, phải được trang bị các hiểu biết về giao dịch kinh tế, tài chính chứ không chỉ đơn thuần là kiến thức ghi chép sổ sách, đồng thời dành thời gian để nâng cao kĩ năng báo cáo tài chính, xử lý dữ liệu, sử dụng phần mềm và thông thạo ngoại ngữ. Đó là những yêu cầu của hầu hết các công ty lớn trên thế giới và Việt Nam khi tổ chức tuyển dụng. 

 “Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần rèn luyện kĩ năng mềm như:  làm việc nhóm, lập kế hoạch, giao tiếp, kỹ thuật trả lời phỏng vấn. Chủ động trong thời gian học tập và nghiên cứu, tận dụng các cơ hội thực tập tại doanh nghiệp để tích lũy kinh nghiệm”, PGS.TS. Đoàn Ngọc Phi Anh - Trưởng Khoa Kế toán – Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho biết thêm.

 

Các Trường Đại học - Cao đẳng và Hiệp hội Kế toán & Kiểm toán trong và ngoài nước đóng góp ý kiến tại hội thảo

Hội thảo “Đổi mới phương pháp đào tạo, cập nhật quá trình giảng dạy môn Kế toán phù hợp với yêu cầu cải cách kế toán trong giai đoạn mới” đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều bài tham luận có chất lượng cùng với những ý kiến đóng góp từ thực tế. Từ những ý kiến của các trường đại học, cao đẳng, các Hiệp hội, tổ chức Kiểm toán và doanh nghiệp, Vụ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính) sẽ tiếp thu và xây dựng văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn trong lộ trình cải cách kế toán tại Việt Nam trong thời gian tới. Đây cũng là sự kiện trong chuỗi hội thảo do Bộ Tài chính kết hợp với các Trường Đại học tổ chức tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và đồng thời là một trong những hoạt động chào mừng nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập ngành Kế toán – Trường Đại học Kinh tế.


Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Trung tâm CNTT & TT