DHKT

Buổi workshop về logistics với chuyên gia J.M Becker – Hiệp hội Logistics tại Wallonia (Bỉ)

13/12/2016

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và Hiệp hội Logistics tại Wallonia (Bỉ) vừa phối hợp tổ chức một buổi workshop về các vấn đề vận tải đường bộ ở khu vực miền Trung tại Hội trường E – Trường ĐH Kinh tế. Tham dự workshop có các đại diện đến từ Hiệp hội Logistics tại Wallonia, đại diện các doanh nghiệp có vận hành đội xe cùng đông đảo các giảng viên, sinh viên Khoa Thương mại và Khoa Quản trị kinh doanh.


Bằng những kinh nghiệm làm việc tại Hiệp hội Logistics ở Wallonia cũng như những kết quả thu được từ chuyến khảo sát ở 2 công ty logistics tại Đà Nẵng, chuyên gia J.M Becker đã chia sẻ với các đại biểu các chủ đề như: tư vấn chọn xe cho các doanh nghiệp, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực vận tải, vai trò của các doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển các dịch vụ gia tăng, tầm quan trọng của hoạt động marketing với lĩnh vực logistics.

Ông Becker cho biết, từ ngày 1.1.2017, Việt Nam sẽ nâng tiêu chuẩn khí thải đối với các xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu lên mức 4, do đó các doanh nghiệp cần chuẩn bị ngay kế hoạch đổi mới đội xe của mình. Việc đổi mới đội xe cũng cần có tầm nhìn dài hạn khi đổi mới đội xe bởi Việt Nam sẽ tiếp tục nâng mức tiêu chuẩn khí thải lên mức 5 vào năm 2022. Ông cũng đưa ra những tiêu chí khi chọn xe gồm: chất lượng, an toàn và đảm bảo môi trường.

Về vấn đề toàn cầu hóa, Giáo sư cho rằng Việt Nam có một vị trí hết sức thuận lợi trong giao thông vận tải. Việt Nam cần tận dụng mối liên hệ này trong việc phát triển logistics, mở rộng và lan tỏa đến các quốc gia lân cận.

ông J.M Becker đã mang đến nhiều chia sẻ hữu ích về việc phát triển vận tải đường bộ tại Việt Nam

Một vấn đề nữa mà ông Becker nhấn mạnh trong phần báo cáo của mình chính là khâu marketing – định vị thương hiệu cho các doanh nghiệp logistics bởi đó không chỉ tạo dựng hình ảnh cho đơn vị mà còn tạo động lực, thuận lợi cho việc quản trị sản xuất. Một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp như: chọn màu xe khác biệt; đánh số xe để tạo nên sự thống nhất, quy củ; có sự đồng bộ giữa màu xe – trang phục tài xế - logo công ty… Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể tận dụng internet. Theo khảo sát cá nhân, ông Becker đánh giá website của các doanh nghiệp Việt Nam quá nặng nề về thông tin, cần lược bỏ và tập trung những thông tin chính.

Phiên thảo luận cũng nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các doanh nghiệp có mặt tại workshop về các vấn đề như sự cạnh tranh về giá, kinh nghiệm kết nối hội viên của các hiệp hội logistics. “Cạnh tranh giá cả chỉ khiến các doanh nghiệp cùng nhau đi xuống, do đó nên cạnh tranh bằng chất lượng cũng như phát triển thêm các dịch vụ gia tăng (đóng gói, vận chuyển…) và đầu tư marketing, những yếu tố đó sẽ giúp các doanh nghiệp logistics khẳng định vị trí của mình.” – GS J.M Becker nhấn mạnh.

mối lo lắng về sự cạnh tranh giá cả và kinh nghiệm liên kết các cluster là những vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm tại workshop

Đại diện Hiệp hội Logistics vùng Wallonia cho rằng các doanh nghiệp cần đầu tư truyền thông, cạnh tranh chất lượng và

phát triển thêm các dịch vụ gia tăng để tạo sức cạnh tranh cho chính mình

Xuân Tân – Trung tâm CNTT&TT


Liên hệ

Phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng

71 Ngũ Hành Sơn, Tp. Đà Nẵng

(0236) 395-8635

interrelations@due.edu.vn