DHKT

Từ sông Lee đến sông Hàn

30/07/2019
TS. George Bulman - Giám đốc điều hành Trung tâm Rubicon, Học viện Công nghệ Cork, Ai-len - đã có bài viết chia sẻ cảm nhận của ông về đất nước Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng thông qua Dự án Dự án Start-up Runway, do Irish Aid hỗ trợ thông qua chương trình Hợp tác Giáo dục Việt Nam – Ireland (VIBE) thực hiện bởi Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và Học viện Công nghệ Cork (Ai-len) từ năm 2016.
------------------------------------------------------------------------------
TỪ SÔNG LEE ĐẾN SÔNG HÀN

Tôi đã may mắn được tham gia vào một dự án của Học viện Công nghệ Cork tại Việt Nam, cùng hợp tác với trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Đây là một dự án bốn năm nhằm thúc đẩy hợp tác giáo dục song phương giữa Việt Nam và Ireland thông qua khuyến khích và đào tạo tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên Việt Nam. Sau thời giaN khởi động tại trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, dự án đã mở rộng ra các trường đai học khác trong khu vực Nam Trung bộ gồm Kon Tum, Bình Định, và Quảng Bình.

Có nhiều nét tương đồng với Cork, Đà Nẵng có con sông Hàn chảy ngang thành phố ra biển Đông, cũng giống như con sông Lee ở Cork chảy ra Đại Tây Dương. Dân số hiện nay của Việt Nam khoảng 97 triệu người và sẽ là 100 triệu trong 2 năm tới.

Lần đầu tiên tôi tới Đại học Kinh tế Đà Nẵng là vào đúng ngày thánh Patrick năm 2016, nó làm cho tôi có cảm giác may mắn và tin rằng dự án này sẽ thành công. Tôi muốn chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm và quan sát của tôi về đất nước Việt Nam vô cùng tươi đẹp, và những điểm tương đồng đáng ngạc nhiên với Ireland.

Việt Nam là một đất nước rất đẹp có bờ biển dài dọc bờ Đông. Từ Đà Nẵng nếu di chuyển về phía Tây Nam sẽ tới Tây Nguyên, một vùng đất cao nguyên đẹp tuyệt diệu. Vùng đất này có biên giới với Lào và Cambodia.

Người Việt Nam rất thân thiện, nồng hậu, và nhiệt tình và tôi đón nhận Hàng ngàn lời chào đón nơi đây, cũng như với tất cả các du khách khác. Họ muốn được nghe những điều nhận xét tốt đẹp về đất nước và quê hương mình từ du khách, và họ thường xuyên nói về miền quê mình với niềm tự nào ‘đất nước tôi’, ‘thành phố của tôi’, ‘trường tôi’.

Có lẽ thách thức đầu tiên đối với tôi khi đến Việt Nam là cái nóng nơi đây (từ 30 tới 40 độ), nhưng đặc biệt hơn đó là độ ẩm cao (90% +). Nhiệt độ vào mùa đông chỉ khoảng 22-24 độ. Tiếp đến là những âm thanh hỗn hợp, từ xe tải, xe con, hàng ngàn xe máy len lỏi trên khắp các con đường trong một sự hỗn loạn có tổ chức một cách đáng ngạc nhiên. Người ta liên tục bóp còi, nhưng không phải vì bực tức hay vội vàng mà là để cho những người xung quanh biết sự hiện diện trên đường của mình. Mọi việc diễn ra một cách thú vị, đặc biệt là ở các ngã tư. Đi bộ sang đường đòi hỏi một kỹ năng hoàn hảo mà bạn cần tập luyện và phát triển qua thời gian. Bạn cần dũng cảm và quyết đoán, hòa vào dòng xe cộ và di chuyển thật nhanh cho đến khi bạn tới được bên kia đường. Bạn không được phép do dự nếu không muốn lĩnh hậu quả.

Tiếp đến là âm thanh ở chợ trung tâm (chợ Hàn), những âm thanh hỗn độn, tiếng mời chào từ các chủ gian hàng, những người sẽ biết ơn bạn khi bạn mua hàng của họ. Bạn có thể mua mọi thứ ở chợ Hàn, từ đồ ăn đến quần áo, quà tặng, và có thể sửa mọi thứ đồ dùng ở đây, chẳng hạn như sửa điện thoại di động bị rơi xuống nước.

Việt Nam có rất nhiều mùi khác nhau, ví như mùi cà phê bay ra từ các quán cà phê dọc bên đường, mùi của không khí nóng, mù cá, mùi của nhiều loại hoa quả và rau, nhưng ấn tượng khó quên nhất là mùi sầu riêng, một loại quả được mệnh danh là ‘vua của các loại mùi’.

Mỗi vùng miền có những loại ẩm thực riêng mà du khách phải khám phá. Tôi đã từng ăn con dũi ở Kon Tum, mắt cá ngừ ở Qui Nhơn, và món gỏi cuốn ở Huế. Mỗi vùng miền có loại súp mì khác nhau như phở, bún, miến, mì, bánh canh… được chế biến với thịt gà, bò, hay lợn. Tất cả đều cực kỳ ngon, và thường ăn vào buổi sáng.

Cảng Đà Nẵng được che chở bởi bức tượng Phật bà Quan âm, bức tượng có thể được nhìn thấy từ mọi hướng từ thành phố. Phật bà Quan âm che chở cho bến cảng từ các cơn bão và thiên tai (theo truyền thuyết kể lại), cũng giống như Blackrock Castle là biểu tượng bảo vệ ở cửa ngõ của thành phố Cork. Cảng Đà Nẵng cũng khá bận rộn với các chuyến tàu vận tải hàng hóa cho tất cả các tỉnh miền Trung Việt Nam cũng như hàng hóa từ Lào và Cambodia. Cũng giống như ở Cork, các chuyến tàu hàng hải phục vụ khu vực Tây Nam của Ireland, đi tới các cảng trong nước và quốc tế.

Dự án Start-up Runway, do Irish Aid hỗ trợ thông qua chương trình Hợp tác Giáo dục Việt Nam – Ireland (VIBE), là cuộc thi có sự tham gia của 250 sinh viên từ 50 đội phát triển các sáng kiến kinh doanh khởi nghiệp. Có 25 đội vào vòng bán kết và 15 đội vào vòng chung kết. 15 đội này trình bày sáng kiến kinh doanh của mình trước Ban giám khảo tại Nhà hát Trưng Vương có sức chứa hơn 1.000 người. Ba đội đứng đầu được cử đại diện tham gia khóa huấn luyện Sinh viên Khởi nghiệp (Student Inc. ) tại Học viện Công nghệ Cork (CIT) trong vòng 1 tháng.

Chúng tôi đã rất hài lòng với kết quả của dự án này, nó đã tạo nền tảng quan trọng để CIT và Đại học Kinh tế Đà Nẵng ký kết Biên bản ghi nhớ mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như chương trình trao đổi 2+2 và 3+1 cho sinh viên. Trung tâm Rubicon của CIT và Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng cũng đã ký kết Biên bản thỏa thuận cho phép các công ty hai bên được hỗ trợ tiếp cận thị trường châu Âu và châu Á.

Vào tháng 9 năm nay sẽ có 11 sinh viên Việt Nam nhập học tại CIT, nếu bạn có gặp họ thì hãy nói ‘Xin chào’.

George Bulman

Rubicon Centre, CIT
-------------------------------------------------------------------------------
Nguồn: https://www.irelandinvietnam.com/allposts/2019/7/25/t-dng-sng-lee-n-sng-hn

Liên hệ

Phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng

71 Ngũ Hành Sơn, Tp. Đà Nẵng

(0236) 395-8635

interrelations@due.edu.vn