DHKT

Cựu sinh viên kinh tế khởi nghiệp trên đất Mỹ

10/04/2017

 

Khởi nghiệp – Cụm từ đã quá quen thuộc với các thế hệ sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Sau chuyến công tác của đoàn chuyên gia UE-UD (DUE) và buổi kick-off kết nối các ý tưởng Đà Nẵng Startup Runway cuối tháng 3 vừa qua, UE-UD lại chào đón sự trở lại mùa thứ hai của ông George Bullman và bà Breda Kenny – Giám đốc Trung tâm ươm tạo Rubicon và Trung tâm Khởi nghiệp Hinckr của Viện Công nghệ Cork, Ai Len (CIT) trong chuỗi workshop cuối tuần dành cho 68 đội thi.

Phần chia sẻ về mô hình kinh doanh, các chuyên gia đã nhắc tới rất nhiều dạng thú vị như mô hình liên kết, mô hình mồi câu, mô hình nhượng quyền… Hai chuyên gia cũng không quên ấn tượng với các mô hình khởi nghiệp thành công của cựu sinh viên kinh tế, đặc biệt ở lĩnh vực ẩm thực mà ông George và bà Breda đã có nhiều cơ hội tự trải nghiệm.

Trong số những cựu sinh viên đam mê khởi nghiệp, có Huỳnh Hằng Châu – sinh viên kinh tế khóa 30 – người luôn âm thầm theo dõi, ủng hộ các hoạt động phát triển startup của Nhà trường. Theo học Quản trị Kinh doanh Quốc tế tại UE-UD, tốt nghiệp Tài chính tại Đại học bang Georgia, Mỹ càng thôi thúc Châu thực hiện ước mơ kinh doanh riêng đã ấp ủ từ lâu. Giờ đây khi đã có trong tay tiệm Nails vừa vinh dự giành giải thưởng về dịch vụ khách hàng xuất sắc Atlanta, Châu còn cùng chồng – cựu sinh viên Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa – ĐHĐN phát triển phối thức sản phẩm bằng cách chuẩn bị lấn sân sang lĩnh vực thiết kế, xây dựng.

Những ngày này, có cơ hội trò chuyện với người phụ nữ ấy không hề dễ bởi cô vừa bận bịu một tay chăm sóc gia đình nhỏ, thổi lửa đam mê nhạc cụ vào cậu con trai hiếu động (chồng Châu cũng là rocker trong ban nhạc có tiếng tại Đà Nẵng, cũng chính là cơ duyên để họ quen nhau), vừa lo quản lý B-Nails Salon, vừa ôn tập để thi lấy chứng chỉ môi giới Bất động sản tại Mỹ. Bạn có thắc mắc tại sao một cô gái Việt lại có nhiều năng lượng đến thế?

Châu tâm sự: 
“Bất đồng ngôn ngữ lúc mới sang Mỹ giống như mình bị mình bị rơi vào một thành phố mà mình như người câm và vô hình với mọi người, khiến mình vô cùng lạc lõng. Nhưng cũng chính điều đó khiến mình cố gắng nhiều hơn bình thường, bắt đầu bằng việc trau dồi tiếng Anh, học lái xe, kiếm việc làm… Tốt nghiệp đại học rồi mình vẫn còn lận đận, làm công việc bán thời gian, được 3 tháng thì mình được nhận việc chính thức nhưng vẫn chưa phải hoàn toàn hợp chuyên môn. Lúc đó dù mê kinh doanh lắm nhưng mình vẫn chưa có ý tưởng nào khả thi. Ít nhất mình đã có ít kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng nên rồi chẳng biết do thời điểm hay do khát khao mà cũng liều mua lại một tiệm Nails.

Áp lực cạnh tranh gay gắt, lại tự lo liệu việc quản lý, thuê, giữ người làm, quảng bá, chăm sóc khách hàng… những tưởng khiến mình đôi lúc bỏ cuộc vì không còn mấy thời gian cho gia đình riêng. Làm quần quật ngày 10 tiếng, về đến nhà cơm nước xong lại ngủ chẳng được bởi trăn trở nhiều, có nên bỏ để theo đuổi công việc đúng chuyên môn, con đường mình đang đi liệu có đúng? Nhưng tâm lý mình đã ổn định hơn sau một năm đầu. Môi trường khởi nghiệp tốt hay không còn do cách nhìn nhận. Với mình, mọi thứ khá công bằng, chủ yếu có đủ bản lĩnh và đam mê để theo đến cùng không?! Thống kê qua từng năm giúp mình nhận biết được tháng nào đông khách, tháng nào ít để cân bằng nhân lực, tung coupons để hút khách. Phần thưởng của mình chính là phản hồi, truyền miệng tích cực từ khách hàng. Những lời động viên, sự hài lòng, bày tỏ mong muốn quay lại… chính là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của người làm kinh doanh.

Điều mình muốn gửi gắm tới các bạn sinh viên là Các bạn hãy đam mê và quyết đoán khi mình còn trẻ! Sức trẻ sẽ giúp bạn đứng dậy sau những vấp ngã!”

Tương lai, hẳn Hằng Châu – người phụ nữ giàu nghị lực ấy sẽ còn hiện thực hóa nhiều dự định. Không chỉ riêng Châu, Trường ĐH Kinh tế - ĐHĐN cũng mong chứng kiến nhiều tấm gương khởi nghiệp thành công hơn nữa trưởng thành từ mái nhà chung UE-UD!

Cám ơn Châu đã cho chúng tôi thêm một góc nhìn về khởi nghiệp trên đất khách!

Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông