DHKT

TS. VÕ THỊ QUỲNH NGA - NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG

“Giáo dục tích cực” là một khái niệm còn khá mới trong việc giảng dạy ở Việt Nam. Tuy nhiên vẫn có những giảng viên đã áp dụng thành công phương pháp giảng dạy tích cực vào những bài giảng của mình. TS. Võ Thị Quỳnh Nga – Phó trưởng khoa Du lịch của trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng từ rất lâu đã là “thần tượng” của nhiều sinh viên bởi cách dạy học tích cực, truyền đạt đủ kiến thức mà vẫn gần gũi, không tạo áp lực. 

Trong bài viết “Người dẫn đường tin cậy” của báo “Đà Nẵng điện tử” cuối năm 2014, TS. Quỳnh Nga từng chia sẻ rằng tâm nguyện của mình khi dạy học là: “Khi sinh viên theo mình, họ phải đạt được điều gì đó.” Chắc có lẽ vì vậy mà ở vai trò của một người giảng dạy, cô luôn nghĩ cho sinh viên. Nhớ mặt, thuộc tên hết tất cả các sinh viên từng theo học hẳn không phải là điều dễ dàng mà thầy cô nào cũng làm được. Nhưng cô cho rằng đó là bí quyết để tương tác dễ dàng hơn với sinh viên cũng như thể hiện sự yêu quý, tôn trọng dành cho học trò.

Tham gia vào dự án USAID lần này với vai trò là người tiên phong áp dụng những phương pháp giáo dục tích cực bài bản hơn từ nước ngoài, TS. Quỳnh Nga đã có những chia sẻ về kết quả bước đầu của dự án. Cô cho biết dự án đã đem đến những cách dạy mới hơn, sinh viên cảm thấy hứng thú hơn và từ đó giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy. Dự án lần này còn chú trọng vào việc liên kết với các doanh nghiệp, giúp sinh viên trao đổi, học hỏi nhiều hơn những từ những tình huống thực tế. Đồng thời doanh nghiệp cũng là người hỗ trợ, đánh giá và ứng dụng kết quả nghiên cứu của sinh viên vào thực tiễn. Đây là phương pháp giáo dục tích cực mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng rất thành công. 

Nói về những khó khăn của dự án, TS. Quỳnh Nga cho biết áp lực công việc là điều không thể tránh khỏi, nhất là khi phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Để giảm tải khối lượng công việc, cô đã đề ra phương pháp đánh giá mới, đó là để sinh viên đánh giá lẫn nhau. Điều này giúp thúc đẩy sinh viên chủ động, đồng thời cảm thấy tự hào và có trách nhiệm hơn khi vai trò của mình thay đổi. Tất nhiên việc này đòi hỏi phải có những tiêu chuẩn đánh giá kỹ lưỡng, cũng như các thức đánh giá cụ thể để sinh viên dễ làm theo và đảm bảo sự công bằng cho các thành viên trong lớp. 

Mong rằng với những phương pháp giáo dục tích cực mới của dự án USAID, cô sẽ ngày càng có những bài giảng hay hơn và tiếp tục là người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên sau này.

Thực hiện: Trung tâm CNTT & Truyền thông