DHKT

Thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết định kiến giới trên các nền tảng mạng xã hội

24/03/2022

Nhóm tác giả là sinh viên Khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng vừa xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi sáng kiến thanh niên “Giải quyết vấn đề định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới”.
Cộng đồng trẻ hành động để thay đổi quan điểm và hành động của công chúng
“Thanh niên giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới” cũng là tên một dự án được Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, thông qua tổ chức Oxfam Việt Nam. Dự án được Viện tư vấn phát triển nông thôn và miền núi (CISDOMA) trực tiếp thực hiện tại địa bàn Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Với mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam, dự án hướng đến mục tiêu “tăng cường sự tham gia của thanh niên trong thay đổi các định kiến giới;” ở 3 thành phố lớn của Việt Nam.
Dự án đã được triển khai theo hướng tập hợp chuỗi biện pháp can thiệp toàn diện, kết hợp truyền thông thay đổi hành vi và truyền cảm hứng cho sự thay đổi; kêu gọi hành động trong cộng đồng đối tượng dự án và công nhận và trao giải cho những người chiến thắng. Cơ chế giải thưởng của dự án khuyến khích các nhóm đối tượng, thực hiện các hành động để thay đổi định kiến giới trong và ngoài phạm vi thời gian của dự án (yếu tố tác động cần kéo dài). Dự án cũng đã khởi xướng những thay đổi bắt đầu sớm trong cộng đồng trẻ, kể cả các nhà báo và doanh nghiệp có hoạt động quảng cáo, những người sau đó sẽ thúc đẩy những thay đổi hơn nữa cho công chúng. Điều này sẽ mang lại nhiều kênh truyền thông để lan tỏa đến cộng đồng. Trong đó, thái độ và hành vi mới về giới gắn với thực hành, được thông tin và truyền cảm hứng, khuyến khích việc áp dụng các hành vi mới nhiều lần, cũng như ghi nhận về những đóng góp của họ cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Phó Viện trưởng CISDOMA, ông Đào Ngọc Ninh trao giải Nhất và Nhì.

Và đích cuối cùng là hướng tới tinh thần bình đẳng giữa nam và nữ trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.
Dự án đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ. Đặc biệt là tuổi trẻ giảng đường. “Cuộc thi rất bổ ích, lành mạnh và cũng rất thiết thực. Từ cuộc thi, các bạn trẻ được tiếp cận nhiều kiến thức liên quan đến bình đẳng giới, giải quyết các định kiến giới. Để thúc đẩy bình đẳng giới, các bạn trẻ đã rất mạnh dạn thể hiện ý kiến của bản thân về vấn đề giới, có những sáng tạo, đề xuất thành những nội dung rất cụ thể qua sáng kiến, các bạn sẽ tiếp tục công việc góp phần tuyên truyền, tác động tích cực đến cộng đồng thông qua kênh tài trợ từ chương trình để vận hành dự án” – Phó Viện trưởng CISDOMA, ông Đào Ngọc Ninh chia sẻ.
Thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết định kiến giới trên các nền tảng mạng xã hội
Phó Viện trưởng CISDOMA, ông Đào Ngọc Ninh, người rất tâm huyết với dự án, cũng từng nhìn nhận (tại talkshow LOOK “Thay ống kính, đổi góc nhìn”, được tổ chức tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), về vai trò của cộng đồng trẻ, rằng “để thúc đẩy bảo vệ bình đẳng giới, một yêu cầu cần phải làm, thì những phát biểu, hành vi không chuẩn mực trên không gian mạng xã hội, chính là hành vi cần phải đưa vào chế tài, thông qua luật pháp điều chỉnh”. Cộng đồng trẻ là những người có nhiều thời gian với không gian mạng, chính họ – nếu được giáo dục, truyền cảm hứng, nhận thức đúng vấn đề – sẽ tích cực tham gia và đảm bảo an toàn cho các giới trên mọi không gian mạng”.
Dự án Gendertones được Nhóm các bạn trẻ sinh viên Khoa Marketing – Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng đề xuất, đã xuất sắc giành giải Nhất, cũng sử dụng truyền thông đa phương tiện, cụ thể là các nền tảng mạng xã hội gần gũi nhất, tiếp cận cộng đồng trẻ (trong đó có phát hành truyện comic), được nhìn nhận đã dùng chính không gian mạng – vốn còn nhiều yếu tố chưa tích cực (thậm chí rất tiêu cực) về giới, trở nên có trách nhiệm hơn.

Nhóm tác giả đề xuất dự án Gendertones có 4 thành viên (từ trái sang):
Lê Ngọc Nhật Miên (lớp 46K12.3); Trần Lê Nhật Minh (lớp 46K12.1);Trần Minh Trang (lớp 46K12.1) và Lê Viết Bảo Hưng – sinh viên lớp 46K28.1. Dự án đã nhận được hướng dẫn, hỗ trợ (các Cô giáo) Th.S Nguyễn Phương Thảo và TS.Trương Thị Vân Anh.

Dự án Gendertones sẽ có một Landing Page và không gian của trang được dành cho việc đăng tải các bài viết truyền thông về chiến dịch. Theo từng giai đoạn tương ứng với các thông điệp và mục tiêu, các bài viết có nội dung khác nhau. Nhóm cho biết cũng sẽ xây dựng và phát triển kênh podcast, tiến hành thu âm, phát hành các episodes đa dạng về nội dung xoay quanh chủ đề chính: Định kiến giới trong đời sống, với sự tham gia của các guest speakers. “Để thực hiện sứ mệnh “đi từ gốc đến ngọn”, Nhóm chúng em cũng sẽ có những phiên webinar ngay trên landing page dự án. Chủ đề được chọn là định kiến giới trong đời sống, tìm kiếm câu trả lời thực sự cho câu hỏi ”Định kiến từ đâu mà có ?. Tổng số lượt ý kiến tham gia các webinar bình đẳng giới do chúng em tổ chức, trong quá trình chạy dự án, ước vào khoảng hơn 80 lượt người”– bạn Lê Viết Bảo Hưng, Trưởng Nhóm cho biết. Những nỗ lực này nhằm thu hút đối tượng học sinh, sinh viên (trong độ tuổi từ 16 đến 21 tuổi) trên toàn quốc, theo dõi fanpage của dự án hàng tuần.
Comic books (truyện châm biếm với hình ảnh minh họa), cũng là một phương tiện mà dự án Gendertones hướng đến sử dụng, khai thác. Nội dung là nhiều mẫu chuyện được sáng tạo, nhưng lại dựa (hoàn toàn) trên những tình huống khó xử và gây bất bình (bởi định kiến giới/bất bình đẳng giới), kể cả bộc lộ trạng thái tâm lý của người chịu định kiến, … tất cả đều có ngoài đời thực.
“Chúng em lựa chọn comic books như một phương tiện truyền tải thông điệp là vì comics books có tính chất châm biếm, hài hước vừa đủ để làm dịu tính chất nghiêm trọng của chủ đề và comic books đáp ứng được tiêu chí hình ảnh thu hút, nội dung bắt nguồn từ đời sống hằng ngày nên dễ tiếp cận hơn với công chúng” – bạn Lê Ngọc Nhật Miên, thành viên Nhóm giải thích.

Mục tiêu đặt ra cho các comic books của Nhóm là có hơn 5.000 lượt tiếp cận. Các họa sỹ minh họa (với tư cách là cố vấn nghệ thuật) ở khắp mọi miền đất nước sẽ được dự án mời tham gia vẽ và góp phần hoàn thiện sách. Theo bạn Trần Minh Trang, một thành viên khác của Nhóm, nhằm tạo động lực cho cộng đồng trẻ xây dựng các chiến dịch truyền thông về giới hoặc lồng ghép những thông điệp bình đẳng giới trong chiến dịch, Nhóm cũng xác định các mục tiêu phải đạt được như Facebook Page dự án đạt hơn 5.000 lượt theo dõi, có hơn 100 bài đăng.
Trong thời gian 6 tháng từ khi Facebook Page dự án vận hành trên internet, có (trung bình) hơn 4.000 lượt tiếp cận với bài vở, hình ảnh đã đăng. Trong khi đó, kênh Podcast của dự án phán đấu đạt hơn 1.000 lượt nghe. Và dự kiến sẽ phát hành hơn 10 podcast trong 6 tháng” – bạn Trần Lê Nhật Minh, bổ sung thêm. Ngoài giải thưởng (2 triệu đồng dành cho giải Nhất), các tác giả dự án Gendertones, đã nhận được số tiền tài trợ 40 triệu đồng để thực hiện dự án (so với ước tính tổng kinh phí đề xuất là 41.559.460 VND).

Trần Ngọc - Thanh Hoàng