DHKT

Công khai luận án tiến sĩ của NCS Phùng Văn Thành

24/05/2022
     Thực hiện Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng công bố luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Phùng Văn Thành trước khi bảo vệ cấp Trường.

     1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Phùng Văn Thành

     2. Tên đề tài luận án: Phát triển làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước

     3. Ngành: Quản trị kinh doanh; Mã số: 62 34 01 02

     4. Người hướng dẫn khoa học:       1. PGS.TS. Phạm Thị Lan Hương;

                                                                 2. TS. Lê Thị Minh Hằng.

     5. Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.

     6. Những đóng góp mới của luận án

     6.1. Những đóng góp về mặt lý luận

      - Từ nghiên cứu lý thuyết cụm liên kết ngành, dựa trên tích tụ, tập trung hoá các doanh nghiệp vào khu vực địa lý lãnh thổ và quan hệ liên kết theo chiều dọc, theo chiều ngang giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm cùng với việc kết hợp kế thừa các nghiên cứu về làng nghề đi trước để xây dựng cơ sở lý luận phát triển làng nghề truyền thống theo hướng cụm liên kết ngành, luận án đã làm rõ bản chất, các đặc trưng cơ bản và vai trò của việc hình thành và phát triển cụm liên kết ngành với sự phát triển có hiệu quả và bền vững các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống.

      - Xây dựng các tiêu chí, các điều kiện để phát triển làng nghề truyền thống theo hướng cụm liên kết ngành để đảm bảo làng nghề phát triển bền vững. Luận án đã chỉ rõ 5 điều kiện cơ bản có tác động trực tiếp đến sự hình thành và phát triển cụm liên kết ngành làng nghề: (1) Sự tích tụ, tập trung hóa các doanh nghiệp theo khu vực địa lý lãnh thổ; (2) Sự liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm làng nghề; (3)Lợi thế cạnh tranh; (4) Đổi mới sáng tạo; (5) Cơ chế chính sách và sự quản lý của nhà nước.

     6.2. Những đóng góp về thực tiễn

      Vận dụng những vấn đề lý thuyết cơ bản về cụm liên kết ngành phù hợp với đặc điểm của làng nghề truyền thống, từ phân tích những nét khái quát thực trạng phát triển làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước, luận án đã đi sâu phân tích thực trạng trình độ tích tụ, tập trung hoá sản xuất các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề, thực trạng các quan hệ liên kết theo chiều dọc và theo chiều ngang giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức có liên quan tại làng nghề theo chuỗi giá trị sản phẩm làng nghề. Từ đó, luận án đã đánh giá rõ nhu cầu, những điều kiện tiền đề thuận lợi và những khó khăn cản trở trong quá trình phát triển bền vững làng nghề theo hướng cụm liên kết ngành.

      Trên cơ sở phân tích SWOT, luận án đã làm rõ luận cứ khoa học định hướng hình thành và phát triển cụm liên kết ngành làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước. Định hướng lấy hạt nhân là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại làng nghề có khả năng phát triển rộng rãi các quan hệ liên kết trong chuỗi giá trị sản phẩm làng nghề, đồng thời phát huy những ưu thế của cụm công nghệp làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước.

      Luận án đề xuất 6 giải pháp chủ yếu để phát triển bền vững làng nghề theo hướng cụm liên kết ngành đó là: Giải pháp thúc đẩy sự tích tụ, tập trung hóa của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm đá mỹ nghệ làng nghề; Giải pháp thúc đẩy phát triển quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp làng nghề và các chủ thể hữu quan (liên kết theo chiều dọc, liên kết theo chiều ngang) theo chuỗi giá trị sản phẩm làng nghề; Giải pháp thúc đẩy nâng cao lợi thế cạnh tranh cho làng nghề thông qua các giải pháp như giải pháp phát triển nguồn nhân lực, giải pháp về nguyên vật liệu, giải pháp về vốn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giải pháp công nghệ; Giải pháp đổi mới sáng tạo; Giải pháp về cơ chế chính sách, sự quản lý của nhà nước; Nhóm giải pháp về bảo vệ môi trường làng nghề, về thương mại và thị trường, Chính sách về đất đai, phát huy vai trò của Hội làng nghề.

     7. Thời gian, địa điểm đánh giá luận án: Sẽ công bố sau

     8. Nội dung luận án: xem ở link đính kèm https://drive.google.com/file/d/1ZWNMlyUg9rbtI_r0-0_riUhMbHC2RKNz/view?usp=sharing