DHKT

Công khai luận án tiến sĩ của NCS Trần Kỳ Hân

27/01/2022
Thực hiện Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng công bố luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Trần Kỳ Hân trước khi bảo vệ cấp Trường.

1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Kỳ Hân

2. Tên đề tài luận án: Quản trị lợi nhuận nhằm tránh lỗ hoặc tránh giảm lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

3. Ngành: Kế toán; Mã số: 62 34 03 01

4. Người hướng dẫn khoa học:       1. PGS.TS Đường Nguyễn Hưng;

                                                            2. PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên.

5. Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.

6. Những đóng góp mới của luận án

Về mặt học thuật:

Một là, đây là nghiên cứu tập trung vào chủ đề QTLN nhằm tránh lỗ hoặc tránh giảm lợi nhuận của các CTNY trên TTCK Việt Nam. Nghiên cứu này sử dụng kết hợp hai phương pháp đã được nhiều tác giả nổi tiếng trên thế giới sử dụng (phương pháp EDA và phương pháp DAA) để chứng minh sự tồn tại QTLN nhằm tránh lỗ của các CTNY cũng như việc các nhà quản lý đã sử dụng các khoản DA như là một công cụ để điều chỉnh tăng lợi nhuận nhằm tránh lỗ. Hơn thế nữa, luận án đã cho thấy việc QTLN nhằm tránh lỗ của các nhà quản lý sẽ gây ra hệ lụy xấu cho TTCK (tác động đến TSSL trên cổ phiếu). Mặt khác, luận án cũng cho thấy điểm khác biệt của TTCK Việt Nam so với các TTCK khác trên thế giới đó là không tồn tại QTLN nhằm tránh giảm lợi nhuận.

Hai là, điểm mới của luận án là tập trung vào phân tích QTLN của các công ty tránh lỗ. Các công ty và nhà quản lý của các công ty tránh lỗ luôn chịu áp lực vô cùng lớn từ các con số lợi nhuận phải công bố. Do đó việc luận án không lựa chọn các quan sát ngẫu nhiên mà tập trung vào việc lựa chọn các quan sát tránh lỗ nhằm phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến QTLN nhằm tránh lỗ cũng như ảnh hưởng của QTLN nhằm tránh lỗ đến TSSL trên cổ phiếu là một cách tiếp cận mới so với các nghiên cứu trước đây.

Ba là, tại Việt Nam, luận án đã cho thấy tồn tại hai động cơ chính của nhà quản lý khi thực hiện QTLN nhằm tránh lỗ đó là động cơ tín hiệu và động cơ thị trường vốn. Các nhà quản lý tại Việt Nam luôn mong muốn truyền các tín hiệu tích cực đến các bên có liên quan về hoạt động của công ty và đó cũng là lý do họ phải thực hiện QTLN nhằm tránh lỗ. Mặt khác, khi đã “thoát lỗ” thì công ty sẽ dễ dàng hơn trong việc thu hút đầu tư, dãn các điều khoản trong các hợp đồng vay và cố gắng gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Bốn là, lý thuyết đại diện và lý thuyết kế toán thực chứng có thể giải thích cho các nhân tố ảnh hưởng đến QTLN nhằm tránh lỗ của các CTNY trên TTCK Việt Nam. Kết quả của luận án cho thấy khi tính đại diện của chủ sở hữu (cổ đông) trong các công ty càng lớn (tính độc lập của HĐQT càng cao, sự tách biệt giữa chức năng kiểm soát và chức năng quản lý và chất lượng kiểm toán càng cao) sẽ làm giảm thiểu mức độ QTLN của nhà quản lý. Phù hợp với lý thuyết kế toán thực chứng, kết quả cũng cho thấy rằng áp lực trả nợ của các công ty (đòn bẩy tài chính cao) làm gia tăng mức độ QTLN nhằm tránh lỗ.

Về mặt thực tiễn

Một là, luận án định hướng cho các cơ quan lập pháp, những nhà hoạch định chính sách phải có tầm nhìn bao quát khi xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung và những quy định trên TTCK nói riêng vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa có tính thực tiễn cao khi áp dụng tại Việt Nam đặc biệt là hạn chế được các hiện tượng, hành vi làm giảm sự minh bạch cũng như chất lượng của thông tin được công bố đặc biệt là thông tin lợi nhuận. Các chủ thể trong nền kinh tế đều hoạt động vì mục đích của riêng họ và đa phần vì mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi ích của chủ thể này có thể gây tổn hại đến chủ thể khác và ảnh hưởng xấu cho cả nền kinh tế. Vì vậy, nhiệm vụ của các cơ quan lập pháp là phải dẫn dắt các chủ thể trong nền kinh tế vừa hoạt động vì lợi ích của riêng họ nhưng cũng vì lợi ích chung của cả nền kinh tế. Luận án đã đề xuất một số giải pháp cụ thể trong thực tiễn như: hoàn thiện hệ thống khung pháp lý cho Hệ thống Kế toán Việt Nam, hoàn thiện quy định công bố thông tin trên TTCK, hoàn thiện các quy định về quản trị công ty, gia tăng quy định và chế tài đối với sai phạm trong kiểm toán độc lập, ...

Hai là, các đối tượng có lợi ích liên quan trực tiếp đến CTNY (các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư,...) nên đánh giá năng lực thật sự của CTNY bằng việc kết hợp nhiều nguồn thông tin tài chính và phi tài chính trong dài hạn. Kết quả nghiên cứu của luận án cho thấy QTLN nhằm tránh lỗ sẽ có tác động đến TSSL trên cổ phiếu. Điều này cho thấy giá cổ phiếu và một số chỉ tiêu liên quan đến giá cổ phiếu của công ty tại một thời điểm nhất định chưa phải là một cơ sở vững chắc để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng này nên tăng cường nội lực của bản thân bằng việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp,... Từ đó có thể gia tăng hiệu quả các quyết định trong việc đầu tư, cho vay,... cũng như giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động.

Ba là, bản thân CTNY nên tập trung hoàn thiện bộ máy quản trị của đơn vị, áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến (tăng số lượng thành viên độc lập không điều hành trong HĐQT, tách biệt hai chức danh chủ tịch HĐQT và CEO), lựa chọn công ty kiểm toán có uy tín để tăng niềm tin nơi cổ đông và các nhà đầu tư tiềm năng. Bên cạnh đó, các công ty phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, ... từ đó gia tăng lợi nhuận “thật sự” cho doanh nghiệp.

7. Thời gian, địa điểm đánh giá luận án: Sẽ công bố sau

8. Nội dung luận án xem tại đây:   https://drive.google.com/file/d/1Lf8WElJxZ8x7m_gdskEZL6dHftTBRKl8/view?usp=sharing