DHKT

Công khai luận án tiến sĩ của NCS Võ Hoàng Diễm Trinh

27/01/2022
Thực hiện Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng công bố luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Võ Hoàng Diễm Trinh trước khi bảo vệ cấp Trường.

1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Võ Hoàng Diễm Trinh
2. Tên đề tài luận án: Tác động của cấu trúc sở hữu đến khả năng sinh lời và rủi ro của Ngân hàng thương mại Việt Nam.
3. Ngành: Tài chính- Ngân hàng; Mã số: 62 34 02 01
4. Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS Lâm Chí Dũng; 
                                                   2. PGS.TS Đặng Tùng Lâm.
5. Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
6. Những đóng góp mới của luận án
Về mặt học thuật:
Thứ nhất, tác động của cấu trúc sở hữu đến khả năng sinh lời và rủi ro của các NHTM đã nhận được sự quan tâm đáng kể của các học giả trên thế giới cũng như Việt Nam. Sự đánh đổi giữa rủi ro và sinh lời là một quy luật phổ biến trong mọi lĩnh vực kinh doanh. Trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, điều này càng thể hiện rõ bởi vì một trong những chức năng của trung gian tài chính là biến đổi rủi ro. Chính vì vậy, cần thiết phải xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro trong mối quan hệ với sinh lời và ngược lại, đặt các đánh giá về mức độ rủi ro và năng lực sinh lời trong tổng thể bức tranh rủi ro – sinh lời của từng ngân hàng cũng như toàn bộ hệ thống trong cùng một thời điểm hoặc trong cùng một giai đoạn.         
Tuy nhiên, chưa có những nghiên cứu tiến hành đồng thời việc nghiên cứu tác động của cấu trúc sở hữu đến cả khả năng sinh lời và rủi ro của NHTM trong cùng một khung thời gian và trên cùng một đối tượng nghiên cứu. Điều này đã được phân tích rõ trong phần tổng quan tài liệu. Việc nghiên cứu tách rời tác động của những nhân tố lên rủi ro hoặc năng lực sinh lời của NHTM không cho phép xem xét quan hệ đánh đổi giữa rủi ro và năng lực sinh lời và do đó, không đặt việc đánh giá rủi ro hoặc năng lực sinh lời trong khung khổ chiến lược kinh doanh của NHTM, vốn luôn được hoạch định trên cơ sở lựa chọn mức độ đánh đổi giữa rủi ro và sinh lời trong một thời kỳ cụ thể. Theo đó, đóng góp chủ yếu của luận án là đã xem xét đồng thời tác động của cấu trúc sở hữu lên cả khả năng sinh lời và rủi ro của NHTM trong cùng một khung thời gian và trên cùng một đối tượng nghiên cứu, sẽ cho phép đặt các tương quan trong một tổng thể, từ đó sẽ đóng góp vào việc thảo luận kết quả nghiên cứu và đặc biệt xem xét các hàm ý từ kết quả nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống, thay vì xem xét chúng một cách biệt lập. Điều này sẽ giúp hạn chế những kết luận phiến diện, thiếu cân nhắc sự đánh đổi giữa rủi ro và sinh lời, đặt các đánh giá này trong mối quan hệ với chiến lược kinh doanh của NHTM. Qua đó, luận án  cung cấp thêm bằng chứng thực nghiệm về sự tác động đồng thời của cấu trúc sở hữu lên cả khả năng sinh lời và rủi ro. Xét riêng, đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, đây là nghiên cứu thực nghiệm đầu tiên về tác động đồng thời của cấu trúc sở hữu lên khả năng sinh lời và rủi ro của hệ thống NHTM Việt Nam. 
Thứ hai, phương pháp nghiên cứu trong các nghiên cứu thực nghiệm trước đây ở Việt Nam chưa có điều kiện để quan tâm một cách thích đáng. Và để khắc phục những vấn đề này, luận án sẽ tiến hành phân tích lựa chọn mô hình hồi quy thích hợp nhất với các kiểm định hợp lý để phân tích tác động của các cấu trúc sở hữu khác nhau đến khả năng sinh lời và rủi ro tổng thể của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Đề tài cũng dành nhiều nỗ lực trong việc tiến hành các kiểm định tính bền vững của kết quả nghiên cứu và các vấn đề nội sinh của mô hình. Vấn đề nội sinh đáng quan tâm nhất là khả năng tác động ngược chiều của rủi ro đến cấu trúc sở hữu có thể tồn tại. Điều này có thể xảy ra nếu các nhà đầu tư (nhà nước, nước ngoài, trong nước và cổ đông lớn) chủ ý lựa chọn các NHTM có rủi ro thấp. Nói cách khác, có khả năng các nhà đầu tư xem xét mức độ rủi ro của các NHTM để lựa chọn góp vốn chủ sở hữu. Để giải quyết vấn đề nội sinh này, các mô hình nghiên cứu xem xét thêm các giá trị trễ của biến độc lập trong mô hình, đó là phương pháp sử dụng biến trễ trong mô hình ảnh hưởng cố định (FEM). Theo đó, các biến sở hữu nhà nước, sở hữu nước ngoài và sở hữu NĐT trong nước và sở hữu tập trung sẽ nhận giá trị trễ (giá trị t-1). Đây là một đóng góp có tính mới về phương pháp nghiên cứu 
Thứ ba, một vấn đề sẽ lần đầu được nghiên cứu trong luận án là nghiên cứu tác động cấu trúc sở hữu trong mối quan hệ tương tác với nhân tố cơ chế quản trị công ty đến khả năng sinh lời và rủi ro của NHTM Việt Nam. Nghiên cứu về tác động của các nhân tố thuộc cơ chế quản trị công ty  đã trở thành một chủ đề nghiên cứu nhận được nhiều sự quan tâm của giới học thuật. Tại Việt Nam, các nghiên cứu theo hướng này cũng đã được triển khai trong những năm qua. Tuy nhiên, các nghiên cứu về tác động của cấu trúc sở hữu đến khả năng sinh lời hoặc rủi ro của NHTM trong quan hệ tương tác với nhân tố cơ chế quản trị công ty vẫn chưa được tiến hành. Nghiên cứu theo hướng này, một mặt đóng góp bằng chứng thực nghiệm, mặt khác, gợi mở một hướng nghiên cứu mới cho phép có cách tiếp cận toàn diện hơn.  
Thứ tư, trên cơ sở kế thừa các mô hình, các phương pháp nghiên cứu, luận án sẽ tiến hành khảo sát cơ sở dữ liệu thực tế liên quan 26 ngân hàng thương mại ở Việt Nam giai đoạn 2007-2019. Điều này có nghĩa là nghiên cứu chỉ tập trung vào đối tượng khảo sát là các NHTM Việt Nam, loại trừ các công ty kinh doanh các lĩnh vực ngoài NHTM. Nghiên cứu cũng đã mở rộng đối tượng khảo sát cả về số lượng NHTM Việt Nam lẫn về thời gian khảo sát
Về mặt thực tiễn
Luận án có thể được coi là một trong những nghiên cứu đầu tiên sử dụng bối cảnh và dữ liệu của Việt Nam để nghiên cứu đồng thời tác động của cấu trúc sở hữu đến cả khả năng sinh lời và rủi ro. Bên cạnh đó, mặc dù trước đây đã có một vài nghiên cứu về tác động của cấu trúc sở hữu đến khả năng sinh lời hoặc rủi ro của các NHTM tại Việt Nam, việc sử dụng dữ liệu bảng với số lượng quan sát lớn hơn là một điểm mới của luận án về vấn đề này. 
Kết quả nghiên cứu chính của luận án về tác động của cấu trúc sở hữu đến khả năng sinh lời và rủi ro của các NHTM Việt Nam cung cấp những khuyến nghị hữu ích đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đề xuất các chính sách định hướng gia tăng tính hiệu quả, ổn định, lành mạnh của hệ thống ngân hàng nói riêng, hệ thống tài chính nói chung, đảm bảo các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Đối với các NHTM, các khuyến nghị nhằm hình thành cơ sở khoa học cho các quyết định hoàn thiện hoạt động quản trị ngân hàng theo định hướng điều chỉnh cấu trúc sở hữu và/hoặc tìm kiếm các giải pháp phát huy ưu thế, khắc phục những hạn chế của từng loại hình cấu trúc sở hữu, từ đó gia tăng khả năng sinh lời và năng lực kiểm soát rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại.
7. Thời gian, địa điểm đánh giá luận án: Sẽ công bố sau
8. Nội dung luận án xem tại đây:   https://drive.google.com/file/d/1LczMFV-WV34UoivY7DkZ3HXj-dwVvZ3_/view?usp=sharing