DHKT

QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC

1. Mục tiêu đào tạo

1.1. Mục tiêu chung:

Đào tạo cử nhân ngành quản trị kinh doanh chuyên ngành quản trị nguồn nhân lực có năng lực chuyên môn, năng lực thực hiện nhiệm vụ độc lập và hợp tác trong lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực, có phẩm chất tốt, khả năng thích nghi môi trường kinh doanh, xã hội thay đổi và đáp ứng nhu cầu xã hội.

1.2. Chuẩn đầu ra

1.2.1. Kiến thức

Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên nắm vững các kiến thức cốt lõi về:

- Hoạch định nguồn nhân lực: Đánh giá nhu cầu, cung nguồn nhân lực và xây dựng chương trình nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực và đảm bảo sự sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tổ chức.

- Phân tích công việc, phân tích vai trò và thiết kế công việc: Hiểu biết quy trình phân tích công việc và thực hiện hữu hiệu trong thực tiễn quy trình phân tích công việc, thực hiện phân tích vai trò và thiết kế công việc phù hợp với đặc điểm thực tế về con người và tổ chức.

- Tuyển dụng nhân viên: Thực hiện quy trình tuyển dụng nhân viên phù hợp với yêu cầu cung cấp những con người thích hợp nhất cho các công việc của tổ chức.

- Quản trị thành tích: Thiết kế hệ thống đánh giá thành tích và triển khai công tác quản trị thành tích hiệu quả nhằm giúp cá nhân không ngừng cải thiện thành tích, giúp nâng cao thành tích cá nhân và góp phần hữu hiệu cho chiến lược tổ chức.

- Phát triển tổ chức: Hiểu biết quy trình xây dựng chương trình đào tạo nhân viên phù hợp và có tính phát triển, hiểu biết phương pháp tạo dựng tổ chức học tập, quản trị tri thức, phát triển cá nhân và tổ chức.

- Quản trị thù lao: Thiết kế hệ thống thù lao hợp lý, công bằng; áp dụng và triển khai công tác quản trị thù lao hiệu quả và mang tính thúc đẩy.

- Quan hệ lao động: Nắm bắt phương pháp và áp dụng thực tiễn để giải quyết hữu hiệu những vấn đề về quan hệ lao động, tạo dựng môi trường làm việc chất lượng và có tính thúc đẩy.

- Tích hợp chiến lược: Nhanh nhạy nắm bắt đặc điểm cấu trúc tổ chức; định hướng chiến lược, các chính sách của tổ chức; hiểu biết mối tác động tương hỗ giữa công tác quản trị nguồn nhân lực với chiến lược tổ chức.

1.2.2. Kỹ năng

- Kỹ năng truyền thông: Có thể soạn thảo được các báo cáo, kế hoạch trong công việc đúng chuẩn mực; Có khả năng thuyết trình trước một nhóm một cách mạch lạc, thuyết phục; Có khả năng lắng nghe hỗ trợ, chia sẻ thông tin với người khác;

- Có khả năng giao tiếp, làm việc bằng bằng ngoại ngữ với trình độ tiếng Anh tương đương TOEIC 500 hoặc tiếng Pháp DELF A2 hoặc có chứng chỉ các ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 – Khung chung châu Âu (Common European Framework – CEF).

- Tư duy tích cực, sáng tạo: Biết cách xác định vấn đề, đánh giá các phương án bằng cách sử dụng đa dạng các công cụ và đưa ra kết luận hợp lý; Có thói quen suy nghĩ nhiều khía cạnh của vấn đề trong các ngữ cảnh khác nhau; Có thể phát thảo, đề xuất hai phương án trở lên để giải quyết vấn đề trong hầu hết các trường hợp trong thực tiễn.

- Kỹ năng máy tính: Sử dụng căn bản các công cụ công nghệ thông tin (máy tính, Internet v.v.), các phần mềm phổ thông và chuyên dụng để phục vụ cho công việc của nghề nghiệp quản trị nguồn nhân lực.

- Kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm: Biết cách lãnh đạo một nhóm để đạt mục tiêu chung thông qua việc tạo dựng viễn cảnh và xây dựng niềm tin; biết cách thực hiện các vai trò tích cực trong thực hiện công việc nhóm như vai trò phát thảo, vai trò điều khiển hay các vai trò xây dựng mối quan hệ như gắn kết, tạo động cơ, đồng cảm, chia sẻ.

- Kỹ năng tương tác và làm việc với con người: Thấu hiểu con người: Nhanh chóng tiếp cận và hiểu rõ đặc điểm cá nhân cốt yếu như về giá trị và quan điểm cá nhân, đặc trưng giá trị văn hóa của người tương tác; Nhạy cảm và chấp nhận sự khác biệt về cá nhân và các yếu tố đa văn hóa

- Kỹ năng quản trị và làm việc cá nhân: Biết tự nhìn nhận và hiểu biết rõ đặc điểm bản thân; Biết cách quản lý stress, quản lý thời gian

1.2.3. Thái độ và hành vi

- Tuân thủ quy định pháp luật: Biết cách thể hiện các hành vi và ra quyết định phù hợp với các yêu cầu của pháp luật.

- Hành vi phù hợp:  Biết cách thể hiện các hành vi phù hợp với chuẩn mực chung của xã hội.

- Quyết định dựa trên nền tảng đạo lý: Biết cách ra quyết định trên cơ sở cân nhắc các yếu tố đạo đức, chuẩn mực xã hội và lợi ích quốc gia.

- Tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp: Biết cách thể hiện hành vi phù hợp với chuẩn mực nghề nghiệp theo quy định nghề nghiệp và thông lệ xã hội; có trách nhiệm trong công việc và ra quyết định trên cơ sở cân nhắc lợi ích của nhiều bên hữu quan.

- Hòa đồng, tôn trọng cấp trên, đồng nghiệp, đối tác, khách hàng.

- Cảm nhận ngữ cảnh và thể hiện cảm xúc phù hợp văn hóa Việt Nam

- Có tinh thần trách nhiệm trong công việc.

- Có cam kết cao trong công việc, luôn ý thức hoàn thành công việc theo yêu cầu nhiệm vụ, luôn ý thức cải tiến hiệu quả và chất lượng công việc.

- Có thái độ tập trung, sẵn sàng học hỏi và thiện chí với tổ chức: Chủ động tự học hỏi, tích cực tham gia các khóa huấn luyện nghề nghiệp; chăm chú lắng nghe và phản hồi tích cực với người hướng dẫn; chấp nhận và nhanh chóng thích nghi với cải tiến và sự thay đổi.

1.3. Cơ hội nghề nghiệp

Sau khi tốt nghiệp, người học có cơ hội làm việc và thăng tiến nghề nghiệp trong lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực như ở các bộ phân hoạch định nguồn nhân lực, phân tích công việc, tuyển dụng, đào tạo nhân viên, đánh giá thành tích và thù lao ở các công ty,  các tổ chức huyến luyện nghề nghiệp, quản lý lao động, việc làm, các bộ phận quản lý nhân lực, hành chính, các tổ chức chính quyền và xã hội.

2. Thời gian đào tạo: Theo thiết kế chương trình là 4 năm, tùy theo khả năng và điều kiện học tập, sinh viên có thể rút ngắn còn 3 năm hoặc kéo dài thời gian học tối đa đến 6 năm.

3. Khối lượng kiến thức toàn khóa: 125 tín chỉ, không kể các học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng.

4. Đối tượng tuyển sinh: Tốt nghiệp THPT, THCN