DHKT

CHUYÊN NGÀNH TIN HỌC QUẢN LÝ

1. Mục tiêu đào tạo

  1.1. Mục tiêu chung:

Cử nhân chuyên ngành Tin học quản lý có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân và hội nhập quốc tế.

Chương trình trang bị cho sinh viên một cách có hệ thống các kiến thức cơ bản về kinh tế - xã hội và quản trị kinh doanh, có kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin ứng dụng trong công tác quản lý.  Đồng thời chương trình còn chú trọng đến kỹ năng thực hành, từ đó giúp sinh viên có khả năng phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong các tổ chức kinh tế - xã hội và kinh doanh.

1.2. Chuẩn đầu ra:

1.2.1. Kiến thức

Khối kiến thức chuyên ngành:

- Kiến thức về công nghệ thông tin và hệ thống thông tin, bao gồm: thuật toán và lập trình ứng dụng, các hệ cơ sở dữ liệu, kho dữ liệu và khai phá dữ liệu, mạng và truyền thông, an toàn thông tin; các mô hình hệ thống thông tin, qui trình phát triển hệ thống thông tin.

- Hiểu và vận dụng các kiến thức này trong việc: khảo sát, phân tích, thiết kế, triển khai, vận hành và bảo trì các hệ thống thông tin; tư vấn và hoạch định chiến lượt công nghệ thông tin cho các tổ chức kinh tế - xã hội.

Khối kiến thức bổ trợ:

- Kiến thức về Kinh tế, Kế toán, Quản trị, Tài chính và Thống kê, bao gồm: kinh tế vi mô và vĩ mô, kinh tế ngành, quản trị sản xuất, quản trị marketing, quản trị nhân sự, nguyên lý kế toán, kế toán tài chính, nguyên lý thống kê, …

- Hiểu và vận dụng các kiến thức này bổ trợ cho khối kiến thức chuyên ngành, nắm được các hoạt động quản lý hành chính, nhân sự, tài chính, nhằm triển khai hiệu quả các hệ thống thông tin kinh tế trong các tổ chức – xã hội.

 

1.2.2. Kỹ năng

- Kỹ năng giải quyết vấn đề chuyên môn: biết mô hình hóa, phát triển, triển khai, quản trị và bảo trì các hệ thống thông tin, hệ thống mạng máy tính; tổ chức và quản trị các hệ cơ sở dữ liệu; quản trị và phát triển website; kiểm thử phần mềm.

- Kỹ năng làm việc nhóm: biết quản trị, tổ chức và phối hợp các thành viên trong nhóm để cùng giải quyết công việc hiệu quả.

- Kỹ năng truyền đạt thông tin: có khả năng trình bày vấn đề, khả năng thuyết phục, khả năng thuyết trình lưu loát và dễ hiểu trước đám đông.

- Kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ với trình độ tiếng Anh tương đương TOEIC 450 hoặc tiếng Pháp DELF A2 hoặc có chứng chỉ các ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 – Khung chung châu Âu (Common European Framework – CEF).

1.2.3. Thái độ và hành vi

- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của nhà nước, các quy định của cơ quan. Có ý thức tổ chức kỹ luật, có lối sống lành mạnh;

- Có đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp. Có tinh thần trách nhiệm trong công việc, có ý thức cải tiến, tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ.

- Coi trọng lợi ích chung, có tinh thần phục vụ cộng đồng.

- Tôn trọng cá nhân, thân thiện và có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và các cá nhân bên ngoài tổ chức.

1.3.  Cơ hội nghề nghiệp:

Có khả năng đảm nhận các vị trí sau:

- Chuyên viên phụ trách CNTT

- Chuyên viên quản trị mạng, quản trị website, quản trị dự án CNTT, quản trị cơ sở dữ liệu

- Chuyên viên lập trình, phân tích, thiết kế, kiểm thử phần mềm và triển khai hệ thống thông tin

- Chuyên viên kinh doanh, tư vấn và hoạch định chiến lược CNTT

- Giảng dạy CNTT ở các cơ sở đào tạo

- Giám đốc CNTT (CIO) trong doanh nghiệp, …

Trong các tổ chức kinh tế - xã hội và kinh doanh như:

- Các cơ quan quản lý nhà nước

- Các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực như: Tài chính; Ngân hàng; Bưu chính – Viễn thông; Điện lực; Sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ, …

- Các trường đại học - cao đẳng, các viện nghiên cứu, …

2. Thời gian đào tạo: Theo thiết kế chương trình là 4 năm, tùy theo khả năng và điều kiện học tập, sinh viên có thể rút ngắn còn 3 năm hoặc kéo dài thời gian học tối đa đến 6 năm.

3. Khối lượng kiến thức toàn khóa: 125 tín chỉ, không kể các học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng.

4. Đối tượng tuyển sinh: Tốt nghiệp THPT, THCN